Ngày 13/11/2023 tại Hà Nội, nhằm triển khai thực hiện Kế hoạch hợp tác năm 2022-2023 của Chương trình đối thoại nhà nước pháp quyền với Cộng hòa Liên bang Đức, Bộ Tư pháp Việt Nam phối hợp với Tổ chức Hanns Seidel Foundation (HSF) của Cộng hòa Liên bang Đức tại Hà Nội tổ chức Hội thảo quốc tế chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về chính sách an sinh xã hội đối với người lao động khuyết tật do Bộ Tư pháp chủ trì với sự tham dự của các Bộ, ngành, các tổ chức đại diện người khuyết tật, các trường đại học, viện nghiên cứu và báo đài tham dự đưa tin về hội thảo.
Khai mạc Hội thảo, đồng chí Cao Đăng Vinh – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp cho rằng các quy định pháp luật về người khuyết tật từ Luật cho đến Nghị định và các Thông tư được ban hành hơn 10 năm qua đã tạo khung pháp lý cho người khuyết tật tại Việt Nam, tuy nhiên, việc tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện các quy định pháp luật này trong thời gian tới là nhu cầu cần thiết trong bối cảnh hiện nay, góp phần thực hiện tốt hơn chính sách an sinh xã hội đối với người khuyết tật ở Việt Nam cũng như sự quan tâm của Đảng và Nhà nước về nhóm đối tượng này trong xã hội.
Chia sẻ kinh nghiệm tại Hội thảo, GS, TS. Mattthias MeiBner – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu DIFA Cộng hòa Liên bang Đức thông tin: từ năm 2009, Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật đã có hiệu lực tại Đức. Luật quy định rằng người khuyết tật phải có sự tham gia vào xã hội trên cơ sở bình đẳng với những người khác. Ở Đức, người ta cố gắng để người ngồi xe lăn có thể đi vào tất cả các tòa nhà công cộng hoặc thậm chí có thể vào xe buýt và tầu điện mà không gặp bất kỳ trở ngại gì. Thường có các đường dốc cho họ. Người khiếm thị có thể được nhận ra bởi dấu hiệu của họ. Đó là ba chấm đen trên nền vàng. Họ thường đeo một cái băng của những người khiếm thị trên tay và có một cây gậy hoặc thậm chí là một con chó dẫn đường cho họ. Nhiều đèn giao thông phát ra tiếng ồn nhất định. Nhờ đó, người khiếm thị biết khi nào họ có thể đi sang đường. Trong nhiều tòa nhà công cộng có chữ nổi.
Đồng chí Mai Đức Thiện, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nhất mạnh nguyên tắc trong xây dựng chính sách pháp luật cấm phân biệt trên cơ sở khuyết tật trong mọi vấn đề liên quan đến việc làm, bao gồm điều kiện tuyển dụng, sự thuê mướn, thăng tiến nghề nghiệp và điều kiện làm việc an toàn và đảm bảo sức khỏe; bảo vệ quyền của người khuyết tật có được điều kiện làm việc chính đáng và thuận lợi trên cơ sở bình đẳng đối với những người khác; thúc đẩy cơ hội việc làm và thăng tiến nghề nghiệp cho người khuyết tật trên thị trường lao động cũng như thúc đẩy hỗ trợ tìm kiếm việc làm, duy trì và quy trở lại làm việc.
TS. Trần Minh Sơn (Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp) cho rằng, hiện nay hệ thống chính sách an sinh xã hội ở Việt Nam có 04 nhóm cơ bản trong đó có nhóm chính sách việc làm đảm bảo thu nhập tối thiểu và giảm nghèo; nhóm chính sách bảo hiểm xã hội; nhóm chính sách trợ giúp xã hội và nhóm chính sách dịch vụ xã hội cơ bản. Với lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên ở Việt Nam hiện nay đạt khoảng 52,3 triệu người, trong đó, lao động ở thành thị là 19,5 triệu người. Trong số đó, theo thống kê của cuộc Điều tra Quốc gia Người khuyết tật Việt Nam lần thứ nhất thì người khuyết tật Việt Nam có khoảng 7,8 triệu người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên chiếm khoảng 8% dân số Việt Nam (trong đó có 29,41% khuyết tật vận động; 16,83% khuyết tật thần kinh; 13,84% khuyết tật về nhìn; 9,34% khuyết tật nghe nói; 6,52% khuyết tật trí tuệ và 24,08% khuyết tật khác). Đứng trước bối cảnh hậu Dịch Covid-19 và tính hình quốc tế biến động trong mấy năm gần đây đã ảnh hưởng rất lớn đến thị trường lao động nói chung và công việc làm cho người lao động khuyết tật nói riêng ở Việt Nam và trên thế giới./.