Hội nghị tập huấn chuyên sâu về ĐKBPBĐ bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại Ninh Thuận

28/10/2023
Hội nghị tập huấn chuyên sâu về ĐKBPBĐ bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại Ninh Thuận
Ngày 25/10/2023, tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, Sở Tư pháp và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Thuận đã phối hợp với Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp tổ Hội nghị tập huấn chuyên sâu về đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại địa phương. Hội nghị do bà Nguyễn Thị Thanh Yên - Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Ninh Thuận và ông Phạm Thanh Hưng - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì.
 

 
 
Tham dự Hội nghị có bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Cục trưởng và đại diện Phòng Quản lý nghiệp vụ của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp; đại diện Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Thuận; đại diện của Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Ninh Thuận và các Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai; đại diện cơ quan thi hành án dân sự; đại diện một số tổ chức tín dụng, tổ chức hành nghề công chứng, tổ chức hành nghề luật sư…
 

 
Tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Thu Hằng đã giới thiệu một số vấn đề pháp lý quan trọng về đăng ký biện pháp bảo đảm theo quy định tại Nghị định số 99/2022/NĐ-CP ngày 30/11/2022 của Chính phủ về đăng ký biện pháp bảo đảm như: (i) Xác định phạm điều chỉnh và hiệu lực áp dụng của Nghị định; (ii) Các nguyên tắc cần tuân thủ trong đăng ký biện pháp bảo đảm; (iii) Các trường hợp đăng ký liên quan đến tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; (iv) Xác định người yêu cầu đăng ký và chữ ký, con dấu của người yêu cầu đăng ký trên Phiếu yêu cầu đăng ký; (v) Thông tin phải kê khai trên Phiếu yêu cầu đăng ký; (vi) Cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm, bao gồm cung cấp thông tin theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân và hoạt động cung cấp thông tin giữa cơ quan đăng ký với cơ quan có thẩm quyền, người có thẩm quyền; (vii) Quản lý nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm… Bên cạnh đó, tại Hội nghị, bà Hằng cũng nêu những vấn đề cần lưu ý trong đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất đối với các chủ thể liên quan, bao gồm: (i) với người yêu cầu đăng ký (lưu ý các vấn đề về sử dụng đúng biểu mẫu cho trường hợp đăng ký cụ thể, vấn đề kê khai thông tin trên phiếu yêu cầu…) và với (ii) cơ quan đăng ký (lưu ý việc kiểm tra, rà soát đảm bảo tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký, việc chứng nhận nội dung đăng ký trên phiếu và Sổ đăng ký, lưu ý các tình huống pháp lý như đăng ký thế chấp bằng quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng nhưng giấy chứng nhận chỉ ghi tên một người, đăng ký thay đổi trong trường hợp bổ sung nghĩa vụ được bảo đảm, trong trường hợp rút một hoặc một số tài sản bảo đảm…).

       

Tại Hội nghị, nhiều vấn đề trong thực tiễn đăng ký biện pháp bảo đảm đã được các đại biểu nêu ra đề nghị giải đáp như: (i) Đăng ký thế chấp đối với trường hợp nhà ở, tài sản gắn liền với đất chỉ được ghi nhận trên Giấy chứng nhận mà chưa được chứng nhận quyền sở hữu; (ii) Giấy chứng nhận của tài sản cần nộp trong trường hợp đăng ký thay đổi để rút bớt tài sản bảo đảm; (iii) Thực hiện đăng ký biện pháp bảo đảm liên quan đến dự án hoặc tài sản gắn liền với đất thuộc dự án; (iv) Giải quyết trường hợp người sử dụng đất có yêu cầu gia hạn thời hạn sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất sau khi đã đăng ký thế chấp; (v) Kê khai thời điểm có hiệu lực trên Phiếu yêu cầu đăng ký; (vi) Đăng ký thay đổi trong trường hợp bổ sung nghĩa vụ được bảo đảm…

 

 
Những vướng mắc được nêu thuộc phạm vi lĩnh vực bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm đã được đại diện Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm trực tiếp trao đổi, cũng như giải đáp các tình huống pháp lý cụ thể phát sinh trong thực tiễn đăng ký biện pháp bảo đảm, qua đó góp phần thống nhất nhận thức, áp dụng pháp luật trong triển khai thi hành Nghị định số 99/2022/NĐ-CP.