Sáng ngày 25/10, nhằm triển khai hoạt động EU JULE 3.1.2.6 trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường tư pháp và pháp luật tại Việt Nam” do Liên minh Châu Âu (EU) tài trợ, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc - UNDP tổ chức Hội thảo tham vấn Báo cáo rà soát, đánh giá và khuyến nghị hoàn thiện quy định pháp luật có yêu cầu giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú khi thực hiện các quyền liên quan trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp. Đồng chí Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp và bà Đỗ Lê Thu Ngọc, Trợ lý Trưởng đại diện, Quyền Trưởng phòng đại diện UNDP đồng chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Thoa, Đại diện nhóm chuyên gia, Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp; đồng chí Lê Vân Anh, Trưởng phòng Phòng Cải cách hành chính – Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Bộ, Bộ Tư pháp; đồng chí Nguyễn Tuyết Minh, Phó Trưởng phòng Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính khối Nội chính, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ; một số lãnh đạo Sở Tư pháp địa phương và đại diện các đơn vị thuộc Bộ.
Đồng chí Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp phát biểu khai mạc Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp cho rằng, để bảo đảm quyền của các chủ thể, đặc biệt là các chủ thể yếu thế trong xã hội, xây dựng xã hội phát triển, thịnh vượng, Bộ Tư pháp đã phối hợp với UNDP tổ chức Hội thảo nhằm tham vấn, xin ý kiến, đề xuất, kiến nghị để hoàn thiện quy định pháp luật có yêu cầu giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú khi thực hiện các quyền liên quan trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp. Trong thời gian qua, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành đã nỗ lực triển khai các hoạt động rà soát các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ triển khai Đề án 06 của Chính phủ đã thu được các kết quả quan trọng, Bộ Tư pháp đã tiến hành rà soát các văn bản liên quan trực tiếp đến việc yêu cầu cung cấp các giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú khi thực hiện các quyền trong lĩnh vực quản lý nhà nước. Các lĩnh vực pháp luật và tư pháp như thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, trợ giúp pháp lý, bổ trợ tư pháp... là những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân. Để thực hiện một số quyền trong các lĩnh vực này, quy định pháp luật yêu cầu người dân phải cung cấp các giấy tờ cá nhân, thông tin về cư trú. Với chủ trương, chính sách của nhà nước về đơn giản hóa thủ tục hành chính, việc rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật có nội dung liên quan đến việc yêu cầu xuất trình giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú để đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy định không còn phù hợp là nhiệm vụ quan trọng, qua đó, góp phần tạo điều kiện cho người dân dễ dàng tiếp cận, thực hiện các quyền hợp pháp, sử dụng các dịch vụ công trong lĩnh vực tư pháp được Nhà nước bảo đảm. Đồng chí Hồ Quang Huy mong muốn các chuyên gia, đại biểu sẽ đánh giá Báo cáo và đưa ra các ý kiến đóng góp, đề xuất các giải pháp hoàn thiện các quy định của pháp luật.
Đồng chí Đỗ Lê Thu Ngọc, Trợ lý Trưởng đại diện, Quyền Trưởng phòng đại diện UNDP phát biểu khai mạc Hội thảo.
Cùng với đó, Bà Đỗ Lê Thu Ngọc, Trợ lý Trưởng đại diện, Quyền Trưởng phòng đại diện UNDP cũng cho biết, với mục tiêu tăng cường nhà nước pháp quyền thông qua hệ thống tư pháp tin cậy hơn, dễ tiếp cận hơn cho người dân; đặc biệt là đối với nhóm yếu thế - luôn là mối quan tâm hàng đầu của UNDP thì việc rà soát, đánh giá và khuyến nghị hoàn thiện quy định pháp luật có yêu cầu giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú sẽ góp phần giúp đỡ người dân khi thực hiện các quyền liên quan trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp. Trong đó, Bà mong muốn tại Hội thảo các chuyên gia, đại biểu sẽ chia sẻ, thảo luận về 02 vấn đề là hướng tới hỗ trợ người dân tiếp cận và thực hiện quyền của mình một cách dễ dàng nhất và việc hoàn thiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực cư trú.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Thoa, Đại diện nhóm chuyên gia, Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp, Giảng viên trường Đại học Thăng Long trình bày về nội dung Báo cáo.
Tại hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Thoa, Đại diện nhóm chuyên gia đã trình bày về Báo cáo kết quả rà soát, đánh giá và khuyến nghị hoàn thiện quy định pháp luật có yêu cầu giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú khi thực hiện các quyền liên quan trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp. Theo đó, nội dung của quy định pháp luật được rà soát tập trung vào 07 nhóm vấn đề cơ bản: (1) Nhóm quy định có yêu cầu giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú khi thực hiện các quyền liên quan trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; (2) Nhóm quy định có yêu cầu giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú khi thực hiện các quyền liên quan trong lĩnh vực hôn nhân, gia đình, nuôi con nuôi, hộ tịch, quốc tịch và chứng thực; (3) Nhóm quy định có yêu cầu giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú khi thực hiện các quyền liên quan trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý, bồi thường thiệt hại; (4) Nhóm quy định có yêu cầu giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú khi thực hiện các quyền liên quan trong lĩnh vực lý lịch tư pháp; (5) Nhóm quy định có yêu cầu giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú khi thực hiện các quyền liên quan trong lĩnh vực thi hành án dân sự, xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật; (6) Nhóm quy định có yêu cầu giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú khi thực hiện các quyền liên quan trong lĩnh vực tố tụng; (7) Nhóm quy định có yêu cầu giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú khi thực hiện các quyền liên quan trong lĩnh vực khác (như tiếp cận thông tin, tương trợ tư pháp, đăng ký biện pháp bảo đảm...). Trong đó, số văn bản quy phạm pháp luật được rà soát là 300 văn bản; bao gồm: 43 bộ luật, luật, nghị quyết của Quốc hội; 02 pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; 65 Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ; 15 Quyết định, Chỉ thị và văn bản khác của Thủ tướng Chính phủ; 175 Thông tư, thông tư liên tịch. Qua rà soát văn bản, chưa phát hiện nội dung mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản, chưa phát hiện nội dung chưa được quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật.
Đồng chí đã nêu ra các ưu điểm, thuận lợi trong việc triển khai rà soát, đánh giá quy định pháp luật có yêu cầu giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú khi thực hiện các quyền liên quan trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp; các hạn chế còn tồn tại và nguyên nhân gây ra sự khó khăn, bất cập trong việc triển khai. Đồng chí cũng đã nêu ra các đề xuất phương hướng hoàn thiện pháp luật, chính sách.
Đồng chí Nguyễn Tuyết Minh, Phó Trưởng phòng Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính khối Nội chính, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ phát biểu tại Hội thảo.
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Tuyết Minh, Phó Trưởng phòng Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính khối Nội chính, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ cho biết, Báo cáo đã nêu rõ được yêu cầu chung trong việc đánh giá nhằm sửa đổi bổ sung các quy định pháp luật có yêu cầu giấy tờ, tài liệu về cư trú khi thực hiện các quyền liên quan trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp như thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, trợ giúp pháp lý, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp... Tuy nhiên, Báo cáo chưa nêu rõ được các quy định liên quan đến bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và các giấy tờ liên quan đến cư trú; chưa đánh giá được những vướng mắc hiện nay giữa quy định của pháp luật với thực tế cuộc sống, những nguyên nhân không thể vận hành được như mong muốn của nhà quản lý theo quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng đến đời sống kinh tế xã hội; cần bổ sung thêm các đánh giá về hiện trạng cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin của ngành tư pháp cũng như hiện trạng về kết nối, chia sẻ dữ liệu cư trú để làm cơ sở lựa chọn các giải pháp thay thế cho yêu cầu nộp các giấy tờ về cư trú. Đồng chí đã đưa ra một số đề xuất kiến nghị nhằm giảm bớt yêu cầu về hồ sơ thông tin về cư trú khi công dân đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính hoặc giải quyết công việc về pháp luật và tư pháp.
Đồng chí Lê Vân Anh, Trưởng phòng Phòng Cải cách hành chính – Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Bộ, Bộ Tư pháp phát biểu tại Hội thảo.
Đồng chí Lê Vân Anh, Trưởng phòng Phòng Cải cách hành chính – Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Bộ, Bộ Tư pháp đánh giá Báo cáo được chuẩn bị rất công phu, đây là nguồn thông tin rất hữu ích trong việc thực hiện nhiệm vụ tham mưu hoàn thiện thể chế thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tư pháp trong thời gian tới. Bên cạnh đó, đồng chí cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục hoàn thiện kết quả đánh giá với một số nội dung sau: bổ sung thêm các chính sách của Chính phủ Việt Nam trong việc cắt giảm giấy tờ về cư trú khi thực hiện các quyền liên quan trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp; kết quả rà soát tại Phụ lục II về Danh mục VBQPPL cần tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới, bao gồm các lĩnh vực: Bổ trợ tư pháp, Hộ tịch, Lý lịch tư pháp, Thi hành án dân sự và bổ sung một số các trường thông tin để người dân không phải cung cấp, cơ quan hành chính nhà nước tự khai thác trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã phát biểu đóng góp ý kiến để hoàn thiện các quy định pháp luật có yêu cầu giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú khi thực hiện các quyền liên quan trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp với một số nội dung sau: Xem xét cấp mã truy cập vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để sử dụng cho Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam; tính dự báo, ổn định, lâu dài để xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao chất lượng của văn bản quy phạm pháp luật...
Nam Hải - TTTT