Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị tập huấn về kỹ năng truyền thông dự thảo chính sách tại Phú Thọ

19/10/2023
Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị tập huấn về kỹ năng truyền thông dự thảo chính sách tại Phú Thọ
Ngày 17/10, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Phú Thọ, Bộ Tư pháp đã tổ chức buổi tập huấn “Kỹ năng truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật” nhằm tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ nguồn trong triển khai đề án giai đoạn 2022-2027.
Thực hiện Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/03/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027” (Đề án 407); Quyết định số 253/QĐ-BTp ngày 02/03/2023 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, nhằm tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ nguồn trong triển khai Đề án, ngày 17/10, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Phú Thọ, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị tập huấn về kỹ năng truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL).
Đến dự hội nghị có sự tham gia của các đại biểu: Ông Phan Hồng Nguyên - Phó Cục trưởng Cục Phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp; bà Đỗ Thị Thanh Hương – Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp; ông Vũ Thành Lâm – Phó Giám đốc Sở Tư pháp Phú Thọ và lãnh đạo Sở Tư pháp 23 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.

Ông Phan Hồng Nguyên – Phó Cục trưởng Cục Phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp phát biểu khai mạc hội nghị (Ảnh: Ngọc Tuyết)

Thời gian qua, bên cạnh kết quả tích cực đạt được, hoạt động truyền thông dự thảo chính sách chưa được triển khai đồng bộ, hiệu quả; việc lấy ý kiến đề nghị xây dựng chính sách và dự thảo VBQPPL chủ yếu được thực hiện thông qua đăng tải trên Cổng/Trang thông tin điện tử của bộ, ngành, địa phương, hiệu quả còn hạn chế.


Ông Vũ Thành Lâm – Phó Giám đốc Sở Tư pháp Phú Thọ phát biểu (Ảnh: Ngọc Tuyết)

Công tác phổ biển, giáo dục pháp luật chưa thực sự gắn kết chặt chẽ với công tác xây dựng pháp luật, chủ yếu thực hiện phổ biến đối với các VBQPPL đã được ban hành.
Thực tiễn này đã và đang tạo ra khoảng trống đối với hoạt động truyền thông các dự thảo chính sách, ảnh hưởng đến chất lượng soạn thảo của VBQPPL, hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách sau khi được ban hành.
Một số VBQPPL mặc dù đã thực hiện xong quy trình xây dựng dự thảo nhưng không được ban hành do chất lượng soạn thảo và tính đồng thuận xã hội còn hạn chế. Có VPQPPL do chưa thực hiện truyền thông định hướng, dẫn dắt từ khâu soạn thảo nên ngay sau khi được ban hành đã xuất hiện ý kiến trái chiều, phản ứng chính sách từ cộng đồng xã hội.
Vì vậy, Đề án 407 tăng cường truyền thông dự thảo chính sách từ sớm, từ xa, ngay từ khi lập đề nghị xây dựng VBQPPL, đảm bảo đồng bộ, bài bản, hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng chính sách, thể chế, tạo đồng thuận xã hội trong quá trình thực hiện chính sách sau khi được ban hành cũng như nâng cao ý thức tôn trọng, tuân theo pháp luật của người dân, doanh nghiệp, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.

Đội ngũ cán bộ nguồn được tăng cường kiến thức về Văn bản quy phạm pháp luật (Ảnh: Ngọc Tuyết)

Hội nghị bao gồm 4 chuyên đề chính là: Những vấn đề chung về truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng VBQPPL; kỹ năng cung cấp thông tin, tiếp nhận, xử lý thông tin góp ý đối với dự thảo chính sách; kỹ năng xây dựng tài liệu truyền thông dự thảo chính sách; kỹ năng truyền thông dự thảo chính sách trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Với tinh thần “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, việc truyền thông chính sách nói chung, truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng VBQPPL được coi là một trong những giải pháp hữu hiệu, cần thiết và cấp bách hiện nay.
Làm tốt công tác truyền thông dự thảo chính sách là giải pháp quan trọng để đưa chính sách pháp luật vào cuộc sống và mang hơi thở cuộc sống vào quá trình xây dựng chính sách.
Ngọc Phúc - Ngọc Tuyết