Bộ Tư pháp duy trì nhóm 3 Bộ dẫn đầu về Chỉ số Cải cách hành chính cấp Bộ

03/10/2023
Bộ Tư pháp duy trì nhóm 3 Bộ dẫn đầu về Chỉ số Cải cách hành chính cấp Bộ
Sáng 03/10, Bộ Tư pháp tổ chức tổ chức Tọa đàm đánh giá, rút kinh nghiệm về chỉ số cải cách hành chính năm 2022 của Bộ Tư pháp và nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp thực hiện Đề án 06 từ nay đến hết năm 2023. Đồng chí Đỗ Xuân Quý, Chánh Văn phòng chủ trì Tọa đàm.
Nhiều chỉ số cải cách hành chính đứng ở vị trí nhóm đầu
Báo cáo tại Tọa đàm, đại diện Văn phòng Bộ cho biết, tổng số điểm Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) của Bộ Tư pháp năm 2022 là 90.63/100 điểm – xếp thứ 2/17 Bộ. Đây là năm thứ năm liên tiếp Bộ Tư pháp duy trì nhóm 3 Bộ dẫn đầu về Chỉ số CCHC cấp Bộ; đặc biệt, công tác chỉ đạo, điều hành CCHC tiếp tục là lĩnh vực được đánh giá cao của Bộ Tư pháp. Bên cạnh đó, lĩnh vực Cải cách thể chế, Cải cách thủ tục hành chính, Cải cách tổ chức bộ máy hành chính của Bộ Tư pháp cũng được xếp hạng thuộc nhóm 03 bộ dẫn đầu, trong đó lĩnh vực cải cách thể chế của bộ và cải cách tổ chức bộ máy hành chính đều xếp thứ 1/17 bộ.
 
Đại diện Văn phòng Bộ trình bày tóm tắt Báo cáo về Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 của Bộ Tư pháp, nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến Chỉ số cải cách hành chính năm 2023.

Kết quả trên đã thể hiện sự quyết tâm và chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ cũng như nỗ lực của các đơn vị thuộc Bộ trong việc thực hiện các nhiệm vụ CCHC trong thời gian qua. Bên cạnh đó, Bộ cũng có nhiều giải pháp, biện pháp cụ thể góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng công tác CCHC; đẩy mạnh công tác kiểm tra việc thực hiện CCHC của các đơn vị thuộc Bộ; có nhiều sáng kiến, giải pháp góp phần triển khai mạnh mẽ các nhiệm vụ CCHC, cải cách thủ tục hành chính (TTHC), ứng dụng công nghệ thông tin, đảm bảo đồng bộ giữa CCHC và các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ.
Ngoài ra, trong đánh giá Chỉ số CCHC năm 2022, Bộ Tư pháp cũng đạt chỉ số điểm cao, xếp thứ 1/17 Bộ ở nội dung đánh giá thông qua điều tra xã hội học. Kết quả đó đã tiếp tục phản ánh sự nhìn nhận cũng như ủng hộ của Lãnh đạo, công chức các đơn vị thuộc Bộ, lãnh đạo Sở Tư pháp cũng như của các hội, hiệp hội thuộc lĩnh vực quản lý đối với việc thực hiện trên tất cả các lĩnh vực CCHC của Bộ Tư pháp.
Chủ động đề xuất giải pháp để nâng cao hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ CCHC
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ CCHC của Bộ, trọng tâm là các nội dung đánh giá Chỉ số CCHC, Văn phòng Bộ đề nghị các đơn vị rà soát các nội dung bị trừ điểm tại Chỉ số CCHC năm 2022 của Bộ Tư pháp, rút kinh nghiệm và chủ động hoặc tham mưu Lãnh đạo Bộ các giải pháp để khắc phục.
Đồng thời, Văn phòng Bộ đề nghị các đơn vị thuộc Bộ đảm bảo tiến độ, chất lượng các đề án, văn bản được giao chủ trì soạn thảo thuộc Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chương trình xây dựng văn bản, đề án thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tư pháp năm 2023 và hoàn thành đúng hạn việc thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Các đơn vị có TTHC thuộc phạm vi quản lý cần thực hiện rà soát lại toàn bộ nội dung TTHC thuộc phạm vi quản lý đã được công bố, công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC đối chiếu với các quy định tại Văn bản Quy phạm pháp luật; tổ chức thực hiện nghiêm việc tiếp nhận, xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về quy định về TTHC thuộc lĩnh vực quản lý.
Đối với các đơn vị giải quyết TTHC của Bộ, cần thực hiện nghiêm việc công khai, minh bạch thông tin trong thực hiện TTHC; tổ chức tốt việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC thuộc phạm vi quản lý; kiên quyết không để xảy ra tình trạng trễ hẹn trong giải quyết hồ sơ; nghiêm túc thực hiện việc xin lỗi người dân, tổ chức khi để xảy ra trễ hẹn…

 
Các đại biểu tham gia thảo luận.

Cũng tại Tọa đàm, Văn phòng Bộ đã báo cáo kết quả triển khai thực hiện Đề án 06 trong 09 tháng đầu năm, gồm nhiệm vụ rà soát và xử lý kết quả rà soát VBQPPL; nhiệm vụ tổng hợp, đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và đôn đốc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; nhiệm vụ thực hiện cấp bản điện tử Giấy khai sinh, Trích lục khai tử trên Hệ thống đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử phục vụ triển khai 02 nhóm TTHC liên thông; kết nối phần mềm nghiệp vụ với CSDLQG về dân cư;….
Tại Tọa đàm, đại diện một số đơn vị thuộc Bộ đã nêu một số khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện CCHC.
 
Đồng chí Đỗ Xuân Quý, Chánh Văn phòng kết luận Tọa đàm.

Phát biểu kết luận, Chánh văn phòng Bộ Tư pháp Đỗ Xuân Quý cho biết trong thời gian qua, Văn phòng Bộ nhận được sự đồng hành, chia sẻ của các đơn vị thuộc Bộ nên một số nhiệm vụ của Bộ đạt được kết quả nhất định. Văn phòng Bộ mong muốn các đơn vị tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Bộ để thực hiện việc CCHC và Đề án 06. Đối với các ý kiến của đại diện các đơn vị thuộc Bộ, Văn phòng Bộ sẽ tổng hợp đầy đủ các kiến nghị, gửi văn bản cho các đơn vị để cùng triển khai thực hiện.
 Anh Thư - Trung tâm Thông tin