Hội nghị đối thoại “Nâng cao hiệu quả, chất lượng tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp”

12/09/2023
Hội nghị đối thoại “Nâng cao hiệu quả, chất lượng tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp”
Ngày 12/9, Báo Pháp luật Việt Nam, Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý cùng Ban Quản lý Chương trình Hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình HTPLLN), Bộ Tư pháp phối hợp tổ chức Hội nghị đối thoại “Nâng cao hiệu quả, chất lượng tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp”.
TS Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Phó Trưởng Ban Quản lý Chương trình HTPLLN; TS Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý; TS Vũ Hoài Nam, Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam đồng chủ trì Hội nghị.
Tuân thủ pháp luật chỉ là điều kiện tối thiểu
Phát biểu đề dẫn Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế Nguyễn Thanh Tú cho biết, tuân thủ pháp luật là điều kiện tiên quyết của một xã hội dân chủ, văn minh, trong xây dựng Nhà nước pháp quyền, đồng thời là trách nhiệm của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Thực tế, tuân thủ pháp luật làm gia tăng chi phí cho doanh nghiệp trong ngắn hạn. Bởi thế, Đảng và Nhà nước đã xác định giảm thiểu rủi ro pháp lý và chi phí tuân thủ pháp luật cho người dân, doanh nghiệp, từ đó doanh nghiệp sẽ tuân thủ pháp luật tốt hơn, hiệu quả hơn, chất lượng hơn. Đồng chí lưu ý, trong bối cảnh hiện nay, tuân thủ pháp luật chỉ là điều kiện tối thiểu bởi có những nội dung doanh nghiệp cần phải làm tốt hơn quy định của pháp luật (như lĩnh vực môi trường, lao động) để tự tin bước ra và khẳng định tên tuổi trên thị trường quốc tế.
TS. Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Phó Trưởng Ban Quản lý Chương trình Hỗ trợ pháp lý liên ngành phát biểu đề dẫn buổi đối thoại.

Từ thực tiễn công tác, đồng chí mong muốn, các doanh nghiệp nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật và tuân thủ pháp luật, không để rơi vào tình trạng gặp vướng mắc pháp luật mới “kêu”, biết sử dụng tư vấn pháp luật trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong quản trị nội bộ; phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong thực thi pháp luật thì kiến nghị cơ quan chức năng xem xét, giải quyết để từ đó hỗ trợ việc tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp. Về phía các cơ quan nhà nước, đồng chí cho rằng, cần gương mẫu đi đầu trong tuân thủ Hiến pháp, pháp luật; xem xét, giải quyết vấn đề trong tổng thể, chứ không phải chỉ trong một/một vài quy định cụ thể hay chỉ trong khuôn khổ pháp luật chuyên ngành của bộ, ngành mình; không hành chính hóa quan hệ dân sự, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm…
TS Vũ Hoài Nam, Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam đồng chủ trì Hội nghị đối thoại.

Tại Hội nghị đối thoại, các doanh nghiệp đã thẳng thắn nêu lên những vướng mắc, khó khăn gặp phải trong quá trình thực thi pháp luật. Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Nữ doanh nhân doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Âu Việt Nguyễn Thị Minh Thanh nhìn nhận, hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay đã tạo ra hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp hoạt động. Tuy nhiên, có một số nội dung quy định pháp luật còn bất cập so với thực tế, khiến doanh nghiệp phải tốn kém các chi phí “không tên”.
Theo CEO Lê Dung, Tổng Giám đốc Công ty CP và Đào tạo nhân lực DGroup, Chính phủ đã rất quan tâm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, bà cho rằng, cần đẩy mạnh truyền thông chính sách để doanh nghiệp hiểu rõ các quy định pháp luật và cũng là để thể hiện doanh nghiệp là “khách hàng” của các cơ quan quản lý. Đồng thời, mong muốn báo chí có thêm nhiều chương trình ý nghĩa, thu hút được doanh nghiệp tham gia như Hội nghị đối thoại này…
Bảo đảm thực thi pháp luật một cách nghiêm minh, nhất quán
Trao đổi tại Hội nghị, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) Đậu Anh Tuấn cho biết, ở Việt Nam, tuân thủ pháp luật đang thay đổi dần theo hướng tích cực, nhưng chưa thực sự phổ biến, chưa tạo thành tâm lý tuân thủ pháp luật một cách triệt để. Hơn nữa, việc quản lý tuân thủ pháp luật ở Việt Nam theo kiểu “nắm người có tóc” khiến doanh nghiệp càng có tên tuổi càng mất nhiều chi phí tuân thủ pháp luật hoặc doanh nghiệp “không muốn lớn”… Xuất phát từ những thực tế trên, đồng chí kiến nghị quan tâm hơn đến việc người dân, doanh nghiệp sẽ thực hiện pháp luật như thế nào; có cơ chế quản lý thiên về quản lý rủi ro, có tiêu chí rõ ràng, công khai (như ngành Hải quan đang áp dụng theo luồng xanh, luồng vàng, luồng đỏ) để doanh nghiệp gìn giữ, có động lực tuân thủ pháp luật.
 
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI.

Trăn trở trước những ý kiến của các doanh nghiệp tại Hội nghị, TS Trần Minh Sơn, Trưởng Văn phòng Chương trình HTPLLN cho biết, với khoảng 20 năm gắn bó với công tác hỗ trợ pháp lý cho DN, ông thấy có những DN “thuộc lòng” Luật doanh nghiệp nhưng áp dụng vẫn bị sai. Vì vậy, đồng chí mong muốn Báo Pháp luật Việt Nam, các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp tổ chức diễn đàn kinh doanh và pháp luật thường xuyên hơn, lựa chọn các ý kiến của doanh nghiệp để góp phần hoàn thiện pháp luật kinh doanh. Cơ quan báo chí có chuyên mục tổng hợp kiến nghị của doanh nghiệp phản ánh tới các cơ quan chức năng và phản ánh thực tế thực thi pháp luật của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần xây dựng được đội ngũ luật sư tư vấn giỏi, tốt; các doanh nghiệp lựa chọn được các luật sư đồng hành cùng mình trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
Ghi nhận và đồng tình với các ý kiến phát biểu tại Hội nghị, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý Nguyễn Văn Cương nhấn mạnh, trong bất kỳ tình huống nào, chúng ta bắt buộc phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Vấn đề đặt ra là chúng ta tuân thủ như thế nào cho có lợi nhất, không để xảy ra các hậu quả khó lường. Đồng chí rất cảm thông, chia sẻ với phản ánh của các doanh nghiệp và khẳng định có nhiều yếu tố khác nhau cần quan tâm để bảo đảm thực thi pháp luật một cách công bằng, nghiêm minh, nhất quán, hiệu lực, hiệu quả…
 
Kết thúc Hội nghị, Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam Vũ Hoài Nam cho rằng, điều kiện và ý thức tuân thủ pháp luật trong những năm qua được nâng lên đáng kể. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra do các nguyên nhân khác nhau. Với các ý kiến quý báu, có chiều sâu tại Hội nghị, Tổng Biên tập Vũ Hoài Nam khẳng định, Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền sâu rộng đến cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước, góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp.
T.Quyên