Hội nghị sơ kết Quy chế phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Liên đoàn Luật sư Việt Nam

10/07/2023
Hội nghị sơ kết Quy chế phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Liên đoàn Luật sư Việt Nam
Sáng 10/7, Bộ Tư pháp phối hợp với Liên đoàn Luật sư Việt Nam (LĐLSVN) tổ chức Hội nghị sơ kết Quy chế phối hợp nhằm đánh giá kết quả đạt được, những hạn chế, khó khăn, vướng mắc ... trong việc triển khai thực hiện Quy chế phối hợp. Ông Đỗ Ngọc Thịnh - Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; ông Phan Trung Hoài - Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, ông Cù Thu Anh - Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp đồng chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị có Giám đốc các Sở Tư pháp, Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đại diện Cục Trợ giúp pháp lý và một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp và Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
Ngày 16/12/2022, Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 2450/QĐ-BTP ban hành Kế hoạch sơ kết thực hiện Quy chế phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Liên đoàn luật sư Việt Nam về hoạt động trợ giúp pháp lý (TGPL) của luật sư. Đây là hoạt động thực hiện Quy chế phối hợp số 4617/QCPH/BTP-LĐLSVN ngày 28/12/2016 (sau đây gọi tắt là Quy chế phối hợp).
Việc tổ chức sơ kết thực hiện Quy chế phối hợp nhằm giúp Bộ Tư pháp và Liên đoàn Luật sư Việt Nam đánh giá kết quả đạt được, những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân…trong việc triển khai thực hiện Quy chế phối hợp, từ đó đưa ra các kiến nghị, giải pháp cụ thể để khắc phục hạn chế, bất cập nhằm nâng cao chất lượng công tác phối hợp trong thời gian tới.
 

Toàn cảnh Hội nghị
 
Tạo tiền đề cho việc phối hợp trợ giúp pháp lý tại địa phương
Phát biểu chào mừng và trình bày tóm tắt dự thảo Báo cáo kết quả thực hiện Quy chế phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Liên đoàn Luật sư Việt Nam về trợ giúp pháp lý của Luật sư, Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý Cù Thu Anh cho biết, theo báo cáo của các Sở Tư pháp gửi Bộ Tư pháp, từ ngày 01/01/2017 đến ngày 31/12/2022, số vụ việc TGPL do luật sư ký hợp đồng với Trung tâm thực hiện là 40.018 vụ/tổng số 215.758 vụ mà Trung tâm TGPL đã thực hiện (chiếm 19%). Chia theo các hình thức TGPL: tham gia tố tụng là 15.312 vụ, chiếm 17% (trên tổng số 90.338 vụ); tư vấn là 24.451 vụ, chiếm 19,7% (trên tổng số 123.725 vụ); đại diện ngoài tố tụng là 255 vụ, chiếm 15% (trên tổng số 1.695 vụ); số vụ việc TGPL do luật sư của tổ chức hành nghề luật sư ký hợp đồng với Sở Tư pháp thực hiện là 160 vụ (100% là các vụ việc tham gia tố tụng); số vụ việc TGPL do luật sư của tổ chức hành nghề luật sư đăng ký tham gia TGPL thực hiện là 826 vụ. Còn tại các địa phương, năm 2022 có: 27 tổ chức hành nghề luật sư ký kết hợp đồng thực hiện TGPL với Sở Tư pháp; 141 tổ chức hành nghề luật sư đăng ký tham gia TGPL; có 630 luật sư ký kết hợp đồng thực hiện TGPL với Trung tâm.
 

Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý Cù Thu Anh phát biểu tại Hội nghị
 
Nhìn chung, Quy chế phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Liên đoàn Luật sư Việt Nam về trợ giúp lý của Luật sư tạo điều kiện cho việc phối hợp hoạt động TGPL giữa hai cơ quan ở Trung ương và các địa phương trong việc phối hợp hoạt động TGPL hỗ trợ các cơ quan hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Qua hơn 05 năm triển khai thực hiện, nhiều nội dung của Quy chế phối hợp đã được thực hiện có hiệu quả. Nhiều địa phương đã ban hành Quy chế cụ thể hoá Quy chế phối hợp của Bộ Tư pháp và Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương. Việc triển khai thực hiện các hoạt động phối hợp về TGPL giữa Sở Tư pháp, Trung tâm TGPL và Đoàn Luật sư được toàn diện và thiết thực hơn. Quy chế phối hợp đã tạo điều kiện cho việc triển khai thực hiện các hoạt động TGPL của luật sư, nhiều nội dung của Quy chế phối hợp đã được tổ chức triển khai thực hiện khá tốt, các bên đã quan tâm hơn tới việc giới thiệu và thực hiện TGPL. Hoạt động lựa chọn, ký hợp đồng thực hiện TGPL với luật sư, tổ chức hành nghề luật sư tham gia thực hiện TGPL, công tác bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ TGPL cũng được quan tâm và đạt được kết quả đáng kể. Đến nay, đã có nhiều tổ chức hành nghề luật sư ký kết hợp đồng thực hiện TGPL với Sở Tư pháp, luật sư ký hợp đồng thực hiện TGPL với Trung tâm, số luật sư thực hiện TGPL tham gia tố tụng những năm gần đây ngày càng tăng. Nhiều người dân đã được TGPL để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, bình đẳng trước pháp luật và tạo niềm tin cho người dân về chính sách TGPL miễn phí. Thực hiện Quy chế phối hợp góp phần thực hiện tốt nguyên tắc kết hợp quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp với phát huy vai trò tự quản của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn Luật sư các tỉnh, thành phố, đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý hoạt động TGPL và hành nghề luật sư ở địa phương.

Tăng cường truyền thông, quan tâm đào tạo bồi dưỡng
Theo đánh giá, chất lượng vụ việc TGPL do các luật sư, trợ giúp viên pháp lý thực hiện được quan tâm chú trọng; nhiều vụ việc được đánh giá đạt chất lượng, các vụ việc TGPL tham gia tố tụng do luật sư thực hiện đáp ứng tiêu chí vụ việc thành công theo quy định. Qua đó, nhiều người dân đã được TGPL để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, bình đẳng trước pháp luật và tạo niềm tin cho người dân về chính sách TGPL miễn phí. Việc thực hiện Quy chế phối hợp còn góp phần thực hiện tốt nguyên tắc kết hợp quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp với phát huy vai trò tự quản của Liên đoàn LS Việt Nam, Đoàn LS các tỉnh, thành phố, đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý hoạt động TGPL và hành nghề LS ở địa phương.
 



Đại diện các đơn vị phát biểu tại Hội nghị
 
Bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Quy chế phối hợp vẫn còn một số tồn tại, khó khăn như: Số vụ việc TGPL do LS thực hiện còn thấp so với tổng số vụ việc TGPL hàng năm; hoạt động thông tin, truyền thông có liên quan đến hoạt động TGPL của LS, tổ chức hành nghề LS chưa được thường xuyên, chưa có nhiều LS tham gia; việc giới thiệu người thuộc diện TGPL từ các văn phòng luật sư đến Trung tâm còn hạn chế.
Để tháo gỡ những vấn đề nêu trên, tiếp tục triển khai hiệu quả Quy chế phối hợp trong thời gian, đại diện các Sở Tư pháp địa phương cùng các đại biểu đến từ các cơ quan, đơn vị khác nhau đã cùng đưa ra các giải pháp, đề nghị như: Bộ Tư pháp tiếp tục phối hợp với Liên đoàn LS Việt Nam hướng dẫn 26 Sở Tư pháp và Đoàn LS chưa ký kết Quy chế phối hợp ở địa phương nghiên cứu về việc ký kết Quy chế phối hợp. Tăng cường công tác truyền thông, quan tâm mở các lớp đào tạo bồi dưỡng, tập huấn chuyên sâu về nghiệp vụ TGPL, kiến thức pháp luật, kỹ năng tham gia tố tụng, kỹ năng sử dụng phần mềm quản lý tổ chức và hoạt động TGPL cho LS thực hiện TGPL, trợ giúp viên pháp lý. Nghiên cứu cơ chế huy động có hiệu quả các LS, tổ chức hành nghề LS tham gia thực hiện TGPL và giới thiệu người thuộc diện TGPL đến Trung tâm...
 

Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Đỗ Ngọc Thịnh phát biểu kết luận Hội nghị
 
Tổng hợp lại các ý kiến trao đổi tại Hội nghị, Chủ tịch LĐLSVN Đỗ Ngọc Thịnh khẳng định qua 6 năm thực hiện Quy chế đã đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên cần có sự cố gắng, nỗ lực hơn nữa để Luật Trợ giúp pháp lý đạt hiệu quả cao khi đi vào thực tế đời sống xã hội. Đồng thời, đội ngũ Luật sư cần có ý thức nghiêm túc, đẩy mạnh phối hợp và nghiên cứu kỹ hơn về thể chế để nâng cao hiệu quả trợ giúp pháp lý. Qua đó, cần thống nhất TGPL là trách nhiệm của Nhà nước, còn TGPL của luật sư có tính chất tham gia đóng góp cho cộng đồng, xã hội. Vì vậy, đoàn Luật sư cần giới thiệu những luật sư có chuyên môn và tinh thần trách nhiệm, khi được lựa chọn ký hợp đồng với Trung tâm Trợ giúp pháp lý cần lựa chọn, đội ngũ Luật sư sẵn sàng thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao, đảm bảo chất lượng. Đồng chí mong muốn sau Hội nghị này, các bên cần rút kinh nghiệm những khó khăn, vướng mắc đã chỉ ra và làm tốt hơn ở những năm tới.
 
 
Nhân dịp này, Hội nghị đã công bố Quyết định khen thưởng của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và của Chủ tịch Liên đoàn LS Việt Nam cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Quy chế phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
 
Thu Nga