Đội ngũ công chức Thi hành án dân sự lớn mạnh về số lượng, chuẩn hóa về trình độ

07/07/2023
Đội ngũ công chức Thi hành án dân sự lớn mạnh về số lượng, chuẩn hóa về trình độ
Sau 30 năm chuyển giao công tác Thi hành án dân sự (THADS) từ Tòa án sang các cơ quan thuộc Chính phủ (1993-2023) và xây dựng hệ thống cơ quan THADS theo mô hình tập trung thống nhất từ Trung ương đến địa phương, có thể thấy đây là một chủ trương đúng đắn và phát huy được hiệu quả trong thực tế.
Số lượng, chất lượng công chức được nâng lên
Thực tiễn hoạt động và kết quả THADS đạt được trong thời gian qua cho thấy mô hình THADS hiện nay phù hợp với tiến trình cải cách hành chính, cải cách tư pháp ở nước ta, bảo đảm nguyên tắc tập trung thống nhất theo đúng chủ trương của Đảng đã đề ra về tập trung nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác thi hành án, tạo điều kiện để Tòa án tập trung thực hiện nhiệm vụ xét xử.
Với tính chất hoạt động THADS, mô hình hệ thống THADS hiện nay đã mang lại hiệu quả nhất định như: bảo đảm thống nhất về tổ chức và thực hiện hoạt động nghiệp vụ; thiết lập, duy trì được mối quan hệ phối hợp với UBND cùng cấp, tranh thủ được sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương và thuận lợi trong việc phối hợp với các cơ quan, ban, ngành có liên quan tại địa phương. Cùng với đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong thực hiện các quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm liên quan đến công tác THADS; phù hợp với mô hình cơ quan tố tụng, tư pháp như cơ quan Điều tra, TAND, VKSND.
Về đội ngũ công chức THADS, từ năm 1993 đến nay, chất lượng, số lượng đội ngũ này ngày càng được cải thiện, được tuyển dụng với chất lượng đầu vào tốt, thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ, chính trị và các lĩnh vực khác phục vụ cho công tác chuyên môn.
Cơ sở vật chất, điều kiện làm việc, chế độ chính sách, chế độ đãi ngộ đối với công chức, người lao động cơ bản được bảo đảm thực hiện, góp phần khuyến khích, động viên công chức yên tâm công tác, gắn bó với nghề. Bên cạnh yêu cầu về đào tạo đầu vào, hàng năm, Tổng cục THADS còn tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, cử công chức học các lớp quản lý nhà nước, kỹ năng lãnh đạo, ngoại ngữ, tin học, lý luận chính trị, bảo vệ bí mật nhà nước, văn thư… nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ.

Bình quân số việc, tiền trên mỗi CHV còn rất cao
Bên cạnh kết quả nêu trên, đội ngũ công chức và nguồn nhân lực THADS vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Về số lượng, biên chế toàn ngành THADS tăng lên đáng kể so với thời điểm bàn giao nhưng chưa tương xứng với khối lượng công việc ngày càng gia tăng về số lượng và độ phức tạp. Trong khi đó, từ năm 2015 đến năm 2021, Hệ thống THADS thực hiện cắt giảm 10% biên chế theo Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Các chức danh đặc thù như Chấp hành viên, Thẩm tra viên THADS còn thiếu, chưa phân bổ phù hợp với tình hình, khối lượng, tính chất công việc của từng cơ quan THADS. Tỷ lệ bình quân số việc, tiền THADS phải thi hành trên mỗi CHV rất cao, đặc biệt tại các địa bàn trọng điểm như: Bến Tre (năm 2022, trung bình mỗi CHV phải giải quyết 382 việc, 43 tỷ đồng); Bình Dương (345 việc, 114 tỷ đồng), Long An (341 việc, 106 tỷ đồng), TP.Hồ Chí Minh (335 việc, 436 tỷ đồng)…
Mặt khác, CHV còn phải đối mặt với những khó khăn khi tác nghiệp tại cơ sở, nhất là những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng sông nước. Trong các vụ việc phức tạp, số lượng đương sự lớn, việc tổ chức thi hành án thường căng thẳng hoặc các vụ việc bên phải thi hành án trốn tránh, chống đối, cản trở, trì hoàn thi hành án thì CHV cũng phải chịu những sức ép không nhỏ.
Do vậy, để khắc phục những khó khăn nêu trên đồng thời giảm bớt áp lực cho CHV, các cơ quan THADS cần tiếp tục nghiên cứu để có sự phân bổ, phân công nhiệm vụ đối với các ngạch CHV đảm bảo khoa học, phù hợp thực tiễn. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để tăng cường hỗ trợ cho CHV trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ.
Về lâu dài, các cơ quan có thẩm quyền cần sớm nghiên cứu, sửa đổi Luật THADS và pháp luật liên quan để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho CHV và cơ quan THADS trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Đặc biệt, cần bổ sung quy định cụ thể, trực tiếp bảo vệ CHV khi tổ chức thi hành án, nhất là đối với các vụ việc cưỡng chế có sự chống đối quyết liệt của đương sự.