Hội nghị tập huấn công tác đăng ký biện pháp bảo đảm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc

20/06/2023
Hội nghị tập huấn công tác đăng ký biện pháp bảo đảm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc
Thực hiện Kế hoạch số 39/KH-UBND ngày 16/02/2023 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị định số 99/NĐ-CP ngày 30/11/2022 của Chính phủ về đăng ký biện pháp bảo đảm trên địa bàn tỉnh và Chương trình công tác Tư pháp năm 2023, sáng ngày 19 tháng 6 năm 2023, Sở Tư pháp tỉnh Vĩnh Phúc đã phối hợp với Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm tổ chức Hội nghị tập huấn công tác đăng ký biện pháp bảo đảm. Hội nghị do ông Nguyễn Tuấn An - Phó Giám đốc Sở Tư pháp chủ trì.
 
 
 
Hội nghị với sự tham gia của ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp; đại diện Phòng Quản lý nghiệp vụ thuộc Cục Đăng ký. Ngoài ra còn có các đại biểu là đại diện các Sở, ngành thành phố: Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường,…; đại diện Lãnh đạo Phòng Tư pháp các thành phố, huyện thuộc tỉnh; đại diện cơ quan đăng ký đất đai của tỉnh và tại các thành phố, huyện thuộc tỉnh; Hội Công chứng tỉnh, Đoàn Luật sư tỉnh; Đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc và đại diện một số tổ chức tín dụng, Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn tỉnh; luật sư, công chứng viên, trợ giúp viên pháp lý, tư vấn viên pháp luật, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc và cơ quan báo chí đến đưa tin Hội nghị.

        

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Hồng Hải đã giới thiệu khái quát về một số điểm mới, cơ bản trong quy định Nghị định số 99/2022/NĐ-CP, trong đó nhấn mạnh và lưu ý đối với một số nội dung mà các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền liên quan đến đăng ký biện pháp bảo đảm cần lưu ý trong áp dụng pháp luật, để vừa đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi, an toàn, kịp thời cho người dân, doanh nghiệp vừa tạo sự thống nhất, đúng quy định về thẩm quyền, căn cứ, thời hạn, hồ sơ và thủ tục trong thực hiện đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm như: Về phạm vi điều chỉnh và hiệu lực áp dụng; về các trường hợp đăng ký theo thẩm quyền của từng cơ quan đăng ký; về nguyên tắc trong đăng ký, cung cấp thông tin; về hiệu lực của đăng ký; về hồ sơ, chữ ký, con dấu trong đăng ký, cung cấp thông tin; về căn cứ, thủ tục, hiệu lực của từ chối đăng ký, đăng ký thay đổi, xóa đăng ký; cơ chế pháp lý về chỉnh lý thông tin có sai sót, hủy đăng ký; cơ chế pháp lý về cung cấp thông tin; quản lý nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm và áp dụng biểu mẫu trong đăng ký, cung cấp cấp thuộc Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định…

       

Để nhận thức rõ đầy đủ hơn về quy định của Nghị định số 99/2022/NĐ-CP trong áp dụng vào thực tiễn tại địa phương, các đại biểu dự Hội nghị cũng đã tích cực tham gia trao đổi, thảo luận về nhiều vấn đề, kể cả về cách hiểu, cách áp dụng những nội dung quy định mới của Nghị định số 99/2022/NĐ-CP và cả những vướng mắc trong thực tiễn đăng ký biện pháp bảo đảm tại địa phương (như về làm thế nào để hạn chế rủi ro pháp lý trong đăng ký biện pháp bảo đảm, đăng ký biện pháp bảo đảm trong trường hợp cá nhân, hộ gia đình sử dụng đất thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại cá nhân, tổ chức kinh tế không phải là tổ chức tín dụng; về đăng ký thay đổi trong trường hợp có sự thay đổi thông tin về định danh cá nhân; về xác lập hợp đồng bảo đảm trong trường hợp tài sản bảo đảm thuộc thẩm quyền đăng ký của các cơ quan khác nhau…). Đại diện Sở Tư pháp tỉnh Vĩnh Phúc cũng có đề nghị Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm có thêm hoạt động hỗ trợ, hướng dẫn áp dụng pháp luật, giúp hoạt động đăng ký  biện pháp bảo đảm ở địa phương ngày càng hiệu quả hơn, khả thi hơn trong thi hành pháp luật.