Tập huấn nghiệp vụ ĐK biện pháp bảo đảm bằng quyền SD đất, tài sản gắn liền với đất tại Sơn La

19/06/2023
Tập huấn nghiệp vụ ĐK biện pháp bảo đảm bằng quyền SD đất, tài sản gắn liền với đất tại Sơn La
Thực hiện Chương trình công tác Tư pháp năm 2023; Kế hoạch số 18/KH-UBND ngày 18/01/2023 của UBND tỉnh quản lý nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm năm 2023; Kế hoạch số 20/KH-STP ngày 02/02/2023 của Sở Tư pháp về công tác Hành chính tư pháp và Bổ trợ tư pháp năm 2023 và Kế hoạch số 68/KHSTP ngày 24/4/2023 của Sở Tư pháp về tổ chức hội nghị triển khai các văn bản pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm; tập huấn nghiệp vụ công tác đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh Sơn La năm 2023, ngày 16/6/2023, Sở Tư pháp tỉnh Sơn La đã phối hợp với Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. Hội nghị do ông Phạm Văn Hưng, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Sơn La chủ trì.
 

 
 
Tham dự Hội nghị có bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp là Báo cáo viên pháp luật cùng các đại biểu tham dự là đại diện lãnh đạo các Sở, ngành (Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Sơn La); Lãnh đạo và viên chức thuộc Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh và Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai của 12 huyện, thành phố Sơn La; Lãnh đạo và chuyên viên các phòng nghiệp vụ của Sở Tư pháp; đại diện Cục Thi hành án dân sự tỉnh; đại diện các tổ chức hành nghề công chứng và các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố.

       

Tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Thu Hằng đã tập trung giới thiệu những nội dung mới, cơ bản của Nghị định số 99/2022/NĐCP ngày 30/11/2022 của Chính phủ về đăng ký biện pháp bảo đảm và các văn bản quy phạm pháp luật về công tác đăng ký biện pháp bảo đảm; hướng dẫn kỹ năng, nghiệp vụ thực hiện đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất. Trong đó lưu ý những nội dung các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền liên quan đến đăng ký biện pháp bảo đảm cần lưu ý để đảm bảo thống nhất trong áp dụng pháp luật, vừa tạo điều kiện thuận lợi, an toàn, kịp thời cho người dân, doanh nghiệp vừa đúng quy định về thẩm quyền, căn cứ, thời hạn, hồ sơ và thủ tục trong thực hiện đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm, bao gồm: hiệu lực thi hành của Nghị định áp dụng đối với các hợp đồng bảo đảm xác lập, biện pháp bảo đảm được đăng ký trước thời điểm ngày Nghị định số 99/2022/NĐ-CP có hiệu lực; các trường hợp đăng ký theo thẩm quyền của từng cơ quan đăng ký; nguyên tắc phải tuân thủ trong đăng ký, cung cấp thông tin; chủ thể trong đăng ký, cung cấp thông tin (người yêu cầu, cơ quan đăng ký), chữ ký, con dấu trong đăng ký, cung cấp thông tin; hiệu lực của đăng ký; hồ sơ đăng ký và giải quyết hồ sơ đăng ký; căn cứ, thủ tục, hiệu lực của từ chối đăng ký, đăng ký thay đổi, xóa đăng ký; cơ chế pháp lý về chỉnh lý thông tin có sai sót, hủy đăng ký; cơ chế pháp lý về cung cấp thông tin; quản lý nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm và áp dụng biểu mẫu trong đăng ký, cung cấp cấp thuộc Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định.

       


Trên cơ sở các vấn đề, các câu hỏi được các đại biểu nêu ra, bà Nguyễn Thị Thu Hằng đã trao đổi chuyên sâu các quy định của Nghị định số 99/2022/NĐ-CP gắn với các tình huống pháp lý cụ thể, giải đáp băn khăn, vướng mắc của các đại biểu tham dự liên quan đến nghiệp vụ đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại địa phương, qua đó góp phần thống nhất nhận thức, áp dụng pháp luật trong triển khai thi hành Nghị định số 99/2022/NĐ-CP của Chính phủ.