Ngày 31/5, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo “Giải pháp huy động nguồn lực xã hội tham gia truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL)”. TS.Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật và Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật Phan Hồng Nguyên chủ trì Hội thảo.
Phát biểu khai mạc, TS.Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật nêu rõ: Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng VBQPPL giai đoạn 2022-2027” (Đề án 407) đặt ra 8 nhóm giải pháp quan trọng liên quan đến nhiều chủ thể, lực lượng khác nhau trong xã hội. Qua 01 năm triển khai Đề án, Bộ Tư pháp với trách nhiệm là cơ quan chủ trì thực hiện đã gặt hái được những thành công nhất định trong công tác này, tuy nhiên vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định. Do vậy, Hội thảo mong muốn được lắng nghe các ý kiến đóng góp, trao đổi cởi mở của các lực lượng khác nhau trong xã hội để tiếp tục nâng cao hiệu quả truyền thống chính sách nói chung, việc huy động nguồn lực xã hội tham gia vào công tác này nói riêng.
TS. Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ PBGDPL phát biểu khai mạc.
Báo cáo dẫn đề tại Hội thảo, Phó Vụ trưởng Vụ PBGDPL Phan Hồng Nguyên cho biết: Qua 01 năm triển khai Đề án 407 cho thấy nhiều Bộ, ngành, địa phương đã quan tâm chỉ đạo, chủ động phối hợp cơ quan thông tin, báo chí, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức hoạt động truyền thông dự thảo chính sách với hình thức khá đa dạng cũng như huy động nguồn lực tham gia, bước đầu đạt một số kết quả tích cực. Tuy nhiên công tác này còn chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Phó Vụ trưởng Vụ PBGDPL Phan Hồng Nguyên trình bày báo cáo dẫn đề.
Để tăng cường huy động nguồn lực xã hội tham gia truyền thông dự thảo chính sách, cần tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân về vai trò của công tác truyền thông dự thảo chính sách, tập trung vào sự cần thiết, những tác động, ảnh hưởng của công tác này đến đời sống xã hội, mỗi cá nhân, nhất là đối tượng thụ hưởng trực tiếp.
Bên cạnh đó, cần chú trọng phát huy vai trò của Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp trong hướng dẫn, chỉ đạo các giải pháp cụ thể để nâng cao vai trò, trách nhiệm xã hội của các tổ chức hành nghề về pháp luật, đội ngũ nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn, chuyên gia tham gia thực hiện truyền thông dự thảo chính sách.
Công tác nghiên cứu hoàn thiện chính sách, thể chế tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác truyền thông dự thảo chính sách nói chung, việc huy động nguồn lực nói riêng cần được thực hiện theo hướng gắn trách nhiệm với quyền lợi khi tham gia, hỗ trợ kinh phí và có cơ chế, chính sách khuyến khích cụ thể để thu hút sự tham gia của toàn xã hội.
Mặt khác, cần xác định những kênh huy động nguồn lực xã hội chính, đồng thời xác định cơ quan, tổ chức mà cơ quan chủ trì soạn thảo VBQPPL cần chú trọng phối hợp trong quá trình truyền thông dự thảo chính sách. Tăng cường sự phối hợp giữa Bộ Tư pháp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và truyền thông, cơ quan chủ trì soạn thảo VBQPPL, các cơ quan thông tin, báo chí trong tổ chức truyền thông dự thảo chính sách để bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đúng quy định pháp luật…
TS. Nguyễn Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu.
Tại Hội thảo, TS. Nguyễn Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết hơn 1 năm triển khai Đề án, việc triển khai truyền thông chính sách của Bộ bước đầu nhận được sự vào cuộc của các đơn vị chủ trì xây dựng VBQPPL. Tuy nhiên công tác này vẫn còn gặp một số khó khăn như: việc phân loại đánh giá chính sách vẫn dựa vào ý chí chủ quan của của cơ quan chủ trì soạn thảo; sự chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan còn chưa cao; truyền thông cho đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách, việc lựa chọn thời điểm truyền thông vẫn còn cứng nhắc theo tiến độ, kế hoạch; nhân lực thực hiện công tác xây dựng VBQPPL còn thiếu kỹ năng truyền thông chính sách, chưa được tập huấn, bồi dưỡng, thiếu tài liệu hướng dẫn…
Để nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng VBQPPL của Ngành, cần chú ý tới 5 điểm bao gồm: xác định nhiệm vụ, định rõ nội dung, khoanh vùng đối tượng, tiếp cận thích ứng và phối hợp nhịp nhàng.
Bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Hà Nội nêu lên một số kiến nghị.
Còn bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Hà Nội cho biết thời gian qua, Sở Tư pháp đã chủ động thực hiện các giải pháp để thực hiện hiệu quả việc tăng cường thông tin, tuyên truyền dự thảo chính sách đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi). Thời gian tới, Sở Tư pháp Hà Nội đề nghị Bộ Tư pháp đưa nội dung tuyên truyền dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) là một trong những nội dung trọng tâm của công tác truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội; sớm tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành Kế hoạch đẩy mạnh tuyên truyền dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trên phạm vi cả nước. Trong Kế hoạch cần xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan trung ương, bộ, ngành thuộc lĩnh vực đề xuất nội dung trong dự thảo Luật Thủ đô, vai trò của các thành viên Ban soạn thảo Luật Thủ đô, vai trò của Ban Tuyên giáo Trung ương, các cơ quan báo, chí, truyền thông của Trung ương, các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhằm tạo sự quan tâm thu hút của dự luận và sự đóng góp tích cực, hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trên cả nước.
Luật sư Nguyễn Duy Lãm, nguyên Vụ trưởng Vụ PBGDPL góp ý tại Hội thảo.
Luật sư Nguyễn Duy Lãm, nguyên Vụ trưởng Vụ PBGDPL, Bộ Tư pháp nhấn mạnh nguồn lực xã hội hiện nay gồm có nguồn lực về con người, nguồn lực về tài chính, nguồn lực từ cá nhân, tổ chức quốc tế và trong nước. Để huy động hiệu quả các nguồn lực này, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế về truyền thông chính sách, phát huy vai trò Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp; lựa chọn nguồn huy động phù hợp với mỗi chính sách; nâng cao trách nhiệm của các Bộ, ngành; xác định và đề cao vai trò cơ quan chủ trì soạn thảo….
Bảo Ngọc