Hoạt động của Đoàn công tác liên ngành trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế tại Ai-len và Đức

31/05/2023
Hoạt động của Đoàn công tác liên ngành trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế tại Ai-len và Đức
Thực hiện Quyết định số 633/QĐ-BTP ngày 26/4/2023 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc thành lập Đoàn đi công tác tại nước Ai-len và Đức trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế, trong các ngày từ 18 đến 27 tháng 5 năm 2023, Đoàn công tác liên ngành do ông Đặng Trần Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Con nuôi, Bộ Tư pháp làm trưởng Đoàn đã tới Ai-len và Đức nhằm trao đổi, đánh giá kết quả hợp tác nuôi con nuôi giữa Việt Nam và các nước này trong thời gian qua; đánh giá lại năng lực chuyên môn của tổ chức con nuôi tại Ai-len, Đức để có căn cứ báo cáo Lãnh đạo Bộ việc gia hạn Giấy phép hoạt động tại Việt Nam và kiểm tra thực tiễn về tình hình phát triển, hòa nhập của trẻ em Việt Nam đã được giải quyết cho làm con nuôi tại hai nước. Tham gia Đoàn công tác còn có ông Tô Đức, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đại diện Cục An ninh đối ngoại- Bộ Công an, Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh và công chức Cục Con nuôi.
Tại buổi làm việc với Cơ quan con nuôi trung ương của Ai-len, Đoàn công tác và Cơ quan Trung ương về nuôi con nuôi của Ai-len thông tin chung về tình hình giải quyết nuôi con nuôi tại Việt Nam và Ai-len; đánh giá tình hình hợp tác về nuôi con nuôi giữa Việt Nam và Ai-len sau 10 năm; những kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc và phương hướng để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm tăng cường hiệu quả hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi giữa Việt Nam và Ai-len. Bên cạnh đó, hai bên đã tập trung trao đổi, thông tin về chính sách pháp luật của mỗi quốc gia về công tác nuôi con nuôi, đồng thời, trước những vấn đề mà phía Việt Nam quan tâm, phía Ai-len đã chia sẻ về những hoạt động thực tế như: trình tự, thủ tục nhận con nuôi quốc tế; vai trò của các bên liên quan trong quá trình nhận con nuôi quốc tế; công tác xã hội trong việc đáp ứng nhu cầu của con nuôi từ đánh giá đến tìm kiếm và hỗ trợ; công tác truyền thông và công nghệ; công tác lưu trữ, bảo mật thông tin...

Liên quan đến vấn đề tìm về nguồn gốc, Đoàn công tác đã có buổi làm việc với Cục Gia đình và Trẻ em để được nghe Cơ quan này giới thiệu cụ thể hơn các quy định về dịch vụ thông tin, dịch vụ truy tìm thông tin tại Ai-len, trong đó bao gồm những quy định tìm về nguồn gốc của con nuôi.

          Thăm và làm việc với các tổ chức con nuôi Helping Hand (tại Ai-len) và AdA (tại Đức), Đoàn đã được nghe các tổ chức báo cáo về bộ máy nhân sự, sự vận hành và quản lý của Tổ chức; quá trình chuẩn bị và sự hỗ trợ của Tổ chức đối với việc xin nhận con nuôi của các gia đình cha mẹ nuôi trước, trong và sau khi giải quyết việc nuôi con nuôi; kết quả hoạt động chung của Tổ chức trong lĩnh vực nuôi con nuôi tại Việt Nam và những nước có quan hệ hợp tác với Ai-len, Đức trong lĩnh vực này. Kết quả kiểm tra cho thấy, các tổ chức con nuôi Helping Hand và AdA đều là những tổ chức hoạt động chuyên nghiệp, có bề dầy kinh nghiệm trong lĩnh vực nuôi con nuôi.

          Nhân chuyến công tác này, Đoàn đã có các buổi gặp gỡ, tiếp xúc với các gia đình cha mẹ nuôi và trẻ em được giải quyết làm con nuôi tại Ai-len và Đức. Được chứng kiến sự phát triển, hòa nhập của trẻ em Việt Nam vào các gia đình cha mẹ nuôi, được chứng kiến tình cảm yêu thương, ấm áp, sự quan tâm, chăm sóc, giáo dục mà cha mẹ nuôi dành cho trẻ, ông Đặng Trần Anh Tuấn đã xúc động chia sẻ, bày tỏ niềm hạnh phúc của cá nhân Ông cũng như các thành viên trong Đoàn công tác của Việt Nam. Ông mong muốn các trẻ em sẽ tiếp tục được nuôi dưỡng, được lớn lên trong tình yêu thương, chăm sóc của cha mẹ nuôi, được quan tâm, bảo vệ những quyền lợi chính đáng bởi các cơ quan, tổ chức của nhà nước Ai-len và Đức. Đại diện các cơ quan, tổ chức của Ai-len, Đức và các cha mẹ nuôi xúc động, đánh giá cao chuyến công tác lần này của Đoàn công tác, đặc biệt là việc tới thăm và gặp gỡ các trẻ em Việt Nam được nhận làm con nuôi bởi điều  này cho thấy rõ sự quan tâm của các cơ quan nhà nước Việt Nam về tình hình phát triển, hòa nhập của trẻ em sau khi đã được giải quyết làm con nuôi nước ngoài. Với Việt Nam, việc giải quyết cho một trẻ em làm con nuôi nước ngoài không dừng lại khi thủ tục đã hoàn tất, mà theo các cơ quan, tổ chức của Ai-len, Đức và các cha mẹ nuôi, các cơ quan nhà nước Việt Nam vẫn luôn dõi theo sự phát triển, hòa nhập và trưởng thành của trẻ tại nước ngoài.
Tại Đức, Đoàn công tác đã có buổi tiếp xúc tập trung với một số gia đình đang có nguyện vọng nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi để lắng nghe nguyện vọng và giải đáp những vấn đề mà cha mẹ nuôi quan tâm khi tìm hiểu việc quy trình, thủ tục nhận con nuôi tại Việt Nam. Trên cơ sở những thông tin được chia sẻ, giải đáp từ ông Đặng Trần Anh Tuấn, các gia đình cha mẹ nuôi bày tỏ sự ủng hộ và tin tưởng vào tính khách quan, minh bạch trong quy trình giải quyết việc nuôi con nuôi tại Việt Nam.
Ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em nói chung và công tác giải quyết việc nuôi con nuôi nói riêng, các cơ quan, tổ chức con nuôi tại Ai-len và Đức đã bày tỏ sự mong muốn tiếp tục duy trì và phát triển quan hệ hợp tác tốt đẹp với Việt Nam trong lĩnh vực nuôi con nuôi. Nhân dịp này, hai nước đã bày tỏ sự cám ơn tới Việt Nam trong việc thực hiện thành công 02 đợt giao nhận trẻ em cho các cha mẹ nuôi thuộc các nước châu Âu trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 lần lượt vào các năm 2020 và 2021.
 Một nội dung trong báo cáo đánh giá về trẻ em Việt Nam làm con nuôi tại Ai-len đã nêu: “Những trẻ em Việt Nam đang tạo ấn tượng mạnh mẽ, tích cực đối với xã hội của chúng tôi. Phía Việt Nam có thể yên tâm rằng, kể cả khi còn là trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ hay thành niên, các con luôn được yêu thương, chăm sóc, nuôi dưỡng và định hướng như bất kỳ đứa trẻ  nào khác đáng được nhận”. Những ghi nhận thực tế của Đoàn trong chương trình công tác tại Ai-len và Đức hi vọng sẽ tiếp tục mở ra những thành tựu tốt đẹp trong quá trình hợp tác về lĩnh vực nuôi con nuôi giữa Việt Nam với các nước, và hơn tất cả, việc tạo dựng mái ấm gia đình thay thế cho những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt của Việt Nam cần tiếp tục  nhận được sự quan tâm, phối hợp của các ngành, các cấp, các cơ quan, tổ chức với mục tiêu tất cả vì lợi ích tốt nhất của trẻ./.