Viện Khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp: Tổ chức “Hội thảo thực tiễn giải quyết tranh chấp Thương mại Quốc tế của Doanh nghiệp Việt Nam”

26/05/2008
Viện Khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp: Tổ chức “Hội thảo thực tiễn giải quyết tranh chấp Thương mại Quốc tế của Doanh nghiệp Việt Nam”
Trong 2 ngày 22 và 23/5/2008, tại Nha Trang, Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) đã tổ chức “Hội thảo thực tiễn giải quyết tranh chấp Thương mại Quốc tế của Doanh nghiệp Việt Nam”. Tham dự Hội thảo có đại diện của các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh Khánh Hoà, các Luật sư đại diện Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hoà, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và một số cơ quan hành chính có liên quan như Toà án, Thi hành án dân sự và Sở Công Thương Khánh Hoà.

Tại Hội thảo, các đại biểu nêu lên thực trạng về tranh chấp về giải quyết tranh chấp trong thương mại quốc tế tại các doanh nghiệp trên địa bàn Khánh Hoà thời gian qua. Qua lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các đối tượng tham dự, Hội thảo đã có được cái nhìn toàn cảnh về bức tranh “Thương mại quốc tế” Việt Nam nói chung, Khánh Hoà nói riêng sau khi Việt Nam gia nhập WTO, đó là sự yếu kém của các doanh nghiệp trong việc nắm bắt các quy định về thương mại của Việt Nam cũng như quốc tế; chưa có thói quen sử dụng dịch vụ tư vấn pháp lý, luật sư của các doanh nghiệp, đồng thời cũng có rất ít doanh nghiệp quan tâm đến việc thành lập tổ chức pháp chế của doanh nghiệp; sự yếu kém của đội ngũ luật sư trong việc nắm bắt các quy định về thương mại quốc tế, trong đó rào cản về ngôn ngữ có thể coi là lớn nhất trong giai đoạn hiện nay v.v… Toàn bộ những khiếm khuyết trên là do những nguyên nhân:

- Về phía các doanh nghiệp: đa phần các doanh nghiệp trên địa bàn chưa đề cao việc sử dụng Luật sư trong hoạt động sản xuất, kinh doanh (soạn thảo hợp đồng, tư vấn giải quyết khi phát sinh tranh chấp…) của mình. Khi có tranh chấp xảy ra, các doanh nghiệp chưa có thói quen nhờ Luật sư tư vấn hoặc đại diện trong việc giải quyết tranh chấp, mặt khác chi phí cho việc theo đuổi vụ việc ở nước ngoài thường rất tốn kém mà không chắc sẽ thắng kiện….nên doanh nghiệp thường chỉ thương lượng để giữ uy tín là chính.

- Do không được tư vấn đúng nên khi ký kết các hợp đồng thương mại doanh nghiệp Việt Nam thường bị ép ở điều khoản lựa chọn luật điều chỉnh và chọn cơ quan tài phán xử lý tranh chấp như chọn Trọng tài thương mại Singapore, chọn Luật Anh để làm căn cứ xét xử v.v… do đó khi có tranh chấp xảy ra các doanh nghiệp Việt Nam phải tốn rất nhiều chi phí cho các tranh chấp này. Trong khi đó, nếu được tư vấn đúng thì các doanh nghiệp Việt Nam có thể thảo luận với đối tác để chọn Trung tâm Trọng tài thương mại Việt Nam bên cạnh Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam là cơ quan tài phán xử lý tranh chấp thì chi phí có thể giảm đi rất nhiều và cũng dễ dàng hơn cho doanh nghiệp Việt Nam khi được xét xử trong nước.

- Một nguyên nhân khác là bộ máy hành chính ở các doanh nghiệp thường rất tinh gọn, một người làm nhiều việc, không có bộ phận chuyên trách pháp chế, chưa coi trọng công tác pháp chế, phòng ngừa rủi ro trong soạn thảo hợp đồng, khi giao kết hợp đồng với đối tác nước ngoài chưa có sự tư vấn của Luật sư vì thường giá trị hợp đồng nhỏ (doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu ở Khánh Hoà chủ yếu là vừa và nhỏ, doanh nghiệp lớn thì chủ yếu gia công).

- Đối với Luật sư, hoạt động tư vấn cho các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn ít, Luật sư có trình độ chuyên môn và ngoại ngữ đáp ứng được yêu cầu trong giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế rất hiếm nên thực tiễn giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế của doanh nghiệp tại Khánh Hoà có sự tham gia của Luật sư rất hạn hữu.

- Về phía cơ quan Nhà nước như Sở Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Khánh Hoà đã có nhiều cố gắng trong việc cung cấp thông tin pháp luật, tập huấn các vấn đề liên quan đến hoạt động thương mại quốc tế…cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn. Tuy nhiên, khi xảy ra tranh chấp thì họ thường tìm đến cơ quan có chức năng giải quyết như Trọng tài Việt Nam hay Trọng tài Quốc tế (theo chỉ định trong hợp đồng) hoặc Luật sư mà không tìm đến các cơ quan hành chính trên địa bàn để báo cáo và nhờ tư vấn, giúp đỡ nên các cơ quan chức năng của địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc theo dõi, thống kê số vụ việc tranh chấp và có biện pháp hữu hiệu giúp đỡ các doanh nghiệp trong giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế….

Được biết, Khánh Hoà là một trong 10 địa phương được Viện Khoa học pháp lý chọn để tổ chức Hội thảo, Toạ đàm, khảo sát thực tế nhằm tìm ra căn cứ, giải pháp, kiến nghị để giúp Nhà nước trong công tác xây dựng, đổi mới các thiết chế tư pháp trong giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế nhằm bảo vệ doanh nghiệp Việt Nam sau khi nước ta gia nhập WTO.

Đức Thắng - Đặng Hữu