Tổ chức phiên tòa giả định góp phần nâng cao chất lượng đào tạo

20/04/2023
Tổ chức phiên tòa giả định góp phần nâng cao chất lượng đào tạo
Thực hiện Kế hoạch hoạt động năm 2022-2023 của Dự án “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam (EUJULE)”, Học viện Tư pháp đã tổ chức 02 phiên tòa giả định vụ án hình sự và vụ án dân sự liên quan đến người chưa thành niên.
Các phiên tòa giả định diễn ra tại Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Dự các phiên tòa giả định có ông Phùng Văn Hải - Phó Chánh án, Thẩm phán Tòa án TP HCM; ông Sỹ Hồng Nam - Thẩm phán trung cấp, Phó Chánh văn phòng Tòa án Thành phố Hồ Chí Minh; ông Nguyễn Hữu Hậu - Kiểm sát viên cao cấp, Viện kiểm sát cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh; bà Trần Đoàn Bích Trâm - Kiểm sát viên, Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh; ông Lưu Văn Tám – Luật sư, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Luật sư Trương Thị Hoà - Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh. Về phía Học viện Tư pháp có TS.Trương Thế Côn – Phó Giám đốc Học viện; TS. Lê Thị Thuý Nga - Trưởng Khoa Đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư; TS. Ngô Thị Ngọc Vân - Phó trưởng khoa Đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư; các cán bộ UNICEF tại Việt Nam, các giảng viên cơ hữu Học viên Tư pháp và học viên các lớp đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư học ở Cơ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Người chưa thành niên là người chưa phát triển đầy đủ, toàn diện về thể chất, tinh thần cũng như chưa có đầy đủ quyền và nghĩa vụ công dân. Với độ tuổi dưới 18, Người chưa thành niên đang trong quá trình hình thành, phát triển với những nét đặc thù về tâm sinh lý, khả năng nhận thức và làm chủ bản thân còn nhiều hạn chế. Trong tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, Người chưa thành niên có thể tham gia với nhiều tư cách như người bị buộc tội, bị hại, người làm chứng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự… Do những đặc điểm đặc trưng của lứa tuổi nên trong quá trình tham gia tố tụng, Người chưa thành niên gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, bảo vệ quyền lợi của Người chưa thành niên nói chung và trong quá trình tham gia các quan hệ pháp luật nói riêng là vấn đề nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Mặt khác, việc tham gia tố tụng, dù với tư cách nào, cũng ảnh hưởng ở những mức độ khác nhau tới các quyền và lợi ích hợp pháp của Người chưa thành niên, tới quá trình phát triển, hoàn thiện nhân cách của họ. Vì lẽ đó, pháp luật tố tụng hình sự, dân sự đều có những quy định riêng về thủ tục tố tụng áp dụng đối với người tham gia tố tụng là Người chưa thành niên nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của Người chưa thành niên, hạn chế những tác động bất lợi do hoạt động tố tụng gây ra đối với họ đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc làm rõ những vấn đề pháp lý để các cơ quan tiến hành tố tụng có quyết định giải quyết vụ án đúng đắn. Trong nỗ lực thực thi pháp luật nhằm bảo đảm lợi ích tốt nhất cho Người chưa thành niên, Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư luôn giữ vai trò quan trọng. Để Người chưa thành niên được lắng nghe và bảo vệ, Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư cần được trang bị đầy đủ kiến thức cần thiết về đặc điểm, quá trình phát triển của Người chưa thành niên, những chuẩn mực quốc tế và quốc gia về bảo vệ Người chưa thành niên, những kỹ năng đặc thù khi làm việc với Người chưa thành niên thông qua hoạt động đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên và nỗ lực học hỏi không ngừng trong suốt quá trình hành nghề.
Nắm bắt nhu cầu đó, trong khuôn khổ hoạt động hợp tác với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Học viện Tư pháp đã tổ chức các phiên diễn án để tăng cường kỹ năng của thẩm phán trong xét xử các vụ án liên quan đến Người chưa thành niên. Thông qua phiên toà giả định, học viên lớp đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư có cơ hội học hỏi, tích lũy một cách trực quan, thực tế các kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm của Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư trong thủ tục xét xử thân thiện với người chưa thành niên. Các Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư tương lai cũng có cơ hội nhìn nhận sâu sắc hơn về tính dễ bị tổn thương của người chưa thành niên, cân nhắc lợi ích tốt nhất của các em khi ra quyết định tại các phiên xử án.
Thay mặt lãnh đạo Học viện Tư pháp, TS. Trương Thế  Côn – Phó Giám đốc Học viện gửi lời cảm ơn Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam đã hỗ trợ Học viện Tư pháp tổ chức hoạt động hết sức hữu ích trong khuôn khổ chương trình “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam”(EU JULE) với đóng góp tài chính từ liên minh Châu Âu, cảm ơn Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và các Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho Học viện Tư pháp sử dụng phòng xét xử tại Tòa án để tổ chức 02 phiên tòa giả định và quan tâm tham dự giúp phiên tòa gần gũi hơn nữa với thực tiễn tư pháp. Các phiên tòa giả định là hoạt động tiếp nối nhiều hoạt động hữu ích, thiết thực mà Dự án “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam (EUJULE)” và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) đã hỗ trợ Học viện Tư pháp nhằm tăng cường năng lực cho đội ngũ giảng viên, hoàn thiện hệ thống học liệu và nâng cao hiệu quả triển khai đào tạo về tư pháp người chưa thành niên trong các chương trình đào tạo của Học viện Tư pháp.
Thanh Hương