Xây dựng hành lang pháp lý đáp ứng yêu cầu mới cho doanh nghiệp

19/04/2023
Xây dựng hành lang pháp lý đáp ứng yêu cầu mới cho doanh nghiệp
Đây là vấn đề được các đại biểu tập trung bàn thảo tại Tọa đàm “Đưa Nghị quyết số 27-NQ/TW vào cuộc sống – Xây dựng hành lang pháp lý đáp ứng yêu cầu mới cho doanh nghiệp”, do Báo Pháp luật Việt Nam, Viện Khoa học pháp lý, Ban Quản lý Chương trình Hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (Ban Quản lý Chương trình 585), Bộ Tư pháp phối hợp tổ chức sáng qua, 19/4.
Sự “chỉ lối” của Nghị quyết số 27-NQ/TW
TS Vũ Hoài Nam, Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam; TS Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý; TS Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Phó Trưởng Ban Quản lý Chương trình 585 đồng chủ trì.
Phát biểu dẫn đề, nhấn mạnh vai trò và ý nghĩa to lớn của Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII “Về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới”, TS Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp cho biết, đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Đảng ta ban hành một Nghị quyết chuyên đề của Trung ương về Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, trong đó có rất nhiều nội dung, yêu cầu mới, quan trọng. “Có thể nói, một thiết kế tổng thể nhất về Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đã được hình thành, dựa trên quá trình tổng kết lý luận và thực tiễn công phu, đầy trách nhiệm và trí tuệ của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan có thẩm quyền, các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, nhà hoạt động thực tiễn và trí tuệ của nhân dân. Điều đó thể hiện rõ nhất trong mục tiêu, 5 quan điểm chỉ đạo, 8 đặc trưng của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam và các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong Nghị quyết số 27-NQ/TW”, TS. Nguyễn Văn Cương nhấn mạnh.
Tại Tọa đàm, các đại biểu đã cùng thảo luận, cho ý kiến về những khó khăn, bất cập của các quy định pháp luật trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh…; đồng thời đề xuất những giải pháp hữu hiệu, khả thi nhằm xây dựng một hành lang pháp lý hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển và kiến tạo trong giai đoạn mới theo đúng tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW.
GS.TS Lê Hồng Hạnh - Viện trưởng Viện Pháp luật và kinh tế ASEAN- nêu rõ, muốn coi doanh nghiệp là trung tâm thì những gì chúng ta tạo ra phải nâng đỡ, hỗ trợ trung tâm đó. Xác định vị trí trung tâm đó thì chúng ta phải xây dựng thể chế, pháp luật hỗ trợ. Đánh giá nhiều văn bản luật của chúng ta hiện đã dần hoàn thiện, ông Hạnh khẳng định khó khăn của doanh nghiệp còn do thực thi pháp luật. “Không thể đổ lỗi hết cho pháp luật. Với sự “chỉ lối” của Nghị quyết số 27-NQ/TW, chỉ cần cán bộ có tâm là làm được hết”, GS.TS Lê Hồng Hạnh nói.
 
Phát huy vai trò của người dân, doanh nghiệp trong xây dựng pháp luật
PGS.TS Đinh Dũng Sỹ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ nêu rõ, muốn đưa luật vào cuộc sống phải đưa cuộc sống vào luật, nghe doanh nghiệp để biết họ muốn gì. Ông Đinh Dũng Sỹ đề nghị thực hiện rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật trên tất cả lĩnh vực. Việc rà soát, hoàn thiện phải lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp làm trung tâm nhằm tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
 
PGS.TS Đinh Dũng Sỹ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ 

Theo PGS.TS Đinh Dũng Sỹ, cần rà soát về các mô hình tổ chức doanh nghiệp; rà soát, sửa đổi, bổ sung các đạo luật, bảo đảm các quyền của doanh nghiệp. Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, xử lý hài hòa mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội. Có cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, nhất quán. “Trong thời gian tới, Nhà nước cần tập trung xây dựng, hoàn thiện các chính sách, thể chế về tổ chức thi hành pháp luật; đồng bộ hóa các chính sách trong tổ chức thi hành pháp luật, nhất là bảo đảm nguồn lực tài chính đủ mạnh cho tuyên truyền, phổ biến và thực thi pháp luật; xây dựng và ban hành hệ thống chế tài đủ mạnh, đi liền với xử lý nghiêm minh các vi phạm pháp luật, khắc phục tình trạng “nhờn luật” trong thực tiễn ở nhiều lĩnh vực hiện nay”, ông Đinh Dũng Sỹ nêu ý kiến.

Bày tỏ sự ủng hộ đối với tiêu chí “kịp thời” trong việc xây dựng hệ thống pháp luật được nêu trong Nghị quyết số 27-NQ/TW, Luật sư Trần Hữu Huỳnh, nguyên Trưởng Ban Pháp chế VCCI, nguyên Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam cho biết, cách đây khoảng 10 năm, bình quân, 1 bộ mất 200 ngày để ban hành 1 thông tư, có những bộ mất 315 ngày. Để đảm bảo tiêu chí “kịp thời” trong bối cảnh nguồn lực không có sẵn, vượt qua “căn bệnh mãn tính” là chậm ban hành các văn bản hướng dẫn, vị Luật sư kiến nghị cần có những giải pháp mạnh mẽ, cần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm trong xây dựng pháp luật.
Đồng thời, cần hoàn thiện cơ chế phản biện xã hội, giải trình và tiếp thu ý kiến của nhân dân đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Theo Luật sư Huỳnh, tất cả bộ máy Nhà nước, bao gồm Quốc hội, Chính phủ, Tòa án cần được kết nối với thực tiễn sinh động của xã hội. Mảng pháp luật về kinh doanh phần lớn mà ngồi văn phòng, không kết nối với các hiệp hội doanh nghiệp thì sẽ bị trong vòng luẩn quẩn không hợp lý, không khả thi, không cụ thể.
Từ thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp, ông Nguyễn Hồng Lam - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hồng Lam cho rằng, doanh nghiệp càng lớn càng bị nhiều quy định ràng buộc. Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động ổn định và phát triển, ông Lam nhấn mạnh về vấn đề đảm bảo cạnh tranh công bằng; tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tới doanh nghiệp, nhất là với các luật mới được ban hành. Hệ thống pháp luật cũng phải đảm bảo không chồng chéo, quy định chặt chẽ để tránh nguy cơ lợi dụng tiêu cực, tham nhũng trong thực thi pháp luật.
Bà Quỳnh Phạm - Giám đốc Queeny Group và bà Hương Ly, Quyền Chủ tịch Happy Women Leader Network, Sáng lập công ty kinh tế đa ngành MJU Group, nêu bật những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải, nhất là trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19. Do vậy, hành lang pháp lý ổn định với hệ thống pháp luật đồng bộ, nhất quán là rất cần thiết để hỗ trợ cho hoạt động của doanh nghiệp. Bà Nguyễn Thị Minh Thanh, Phó Chủ tịch Chi hội Nữ Doanh nhân Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đề nghị các cơ quan lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp để hoạch định chính sách phù phù hợp.
Tránh “lợi ích nhóm”, xa rời thực tiễn trong xây dựng pháp luật
Nhấn mạnh “từ khóa”: “Thực hiện tốt quy định công dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm”, TS. Nguyễn Quang Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp cho rằng, nếu xoáy sâu và nghiên cứu thật kỹ từ khóa đó thì sẽ bao hàm được nhiều vấn đề, và khi đưa Nghị quyết số 27-NQ/TW vào cuộc sống sẽ loại trừ được những bất cập mà các doanh nghiệp đã đề cập.
 TS. Nguyễn Quang Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp
 
Ông Nguyễn Kim Tinh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Bộ Tư pháp chia sẻ với những khó khăn mà các doanh nghiệp đã đề cập. Trong đó, với những khó khăn liên quan đến hệ thống pháp luật, ông Nguyễn Kim Tinh khẳng định sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị trong Bộ Tư pháp rà soát lại hệ thống pháp luật có liên quan đến doanh nghiệp để xác định những quy định còn thiếu, chồng chéo, bất cập để đề xuất sửa đổi, bổ sung, hướng tới mục tiêu tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp từ lúc thành lập đến xây dựng, khánh thành và kinh doanh.
Ông Nguyễn Kim Tinh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Bộ Tư pháp
 
Ông Nguyễn Kim Tinh cũng khẳng định, các công chức của Bộ Tư pháp đều có phẩm chức đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng, có chuyên môn sâu và tinh thần phục vụ tốt. “Chúng tôi tiếp tục giáo dục cán bộ của Bộ tránh “lợi ích nhóm”, tránh xa rời thực tiễn, không “ngồi phòng máy lạnh” để xây dựng pháp luật”, ông Nguyễn Kim Tinh nêu rõ và đề nghị doanh nghiệp chú trọng đầu tư nghiên cứu để góp ý, phản biện đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Phát biểu kết luận Tọa đàm, TS Vũ Hoài Nam, Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam khẳng định, sau gần 3 giờ phát biểu tham luận, thảo luận, với tinh thần nghiêm túc, thẳng thắn, chân tình, Tọa đàm đã thành công tốt đẹp. Các tham luận và ý kiến phát biểu đã cho thấy nhận thức về Nhà nước pháp quyền ngày càng được nâng cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Lý luận về Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam ngày càng hoàn thiện, góp phần to lớn vào sự phát triển toàn diện của đất nước, trong đó có kinh tế - xã hội. Thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN ngày càng hoàn thiện.
Tuy nhiên, cần phải tiếp tục có những giải pháp mạnh mẽ hơn nữa, tạo bước đột phá trong hoàn thiện thể chế, cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, vấn đề hoàn thiện thể chế và các giải pháp thực thi hiệu quả pháp luật như ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn thi hành, hoàn thiện cơ chế phản biện xã hội, phản biện chính sách. “Trước đây, trong quá trình tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chúng ta chủ yếu tập trung vào khi các văn bản đã được ban hành. Tuy nhiên, sau khi Nghị quyết số 27-NQ/TW ra đời, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách trước khi ban hành đã rất được chú trọng”, Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam nhấn mạnh.
Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam khẳng định, các ý kiến phát biểu tại Tọa đàm sẽ là những kinh nghiệm quý báu không chỉ cho các đơn vị chủ trì Tọa đàm mà còn cho cơ quan, doanh nghiệp hiểu hơn về tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW, về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước với sự phát triển của doanh nghiệp./.

Hà Dung - Triệu Oanh