Thực hiện Quyết định số 57/QĐ-BTP ngày 18/01/2023 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt Kế hoạch công tác năm 2023 của Cục Con nuôi, Quyết định số 65/QĐ-CCN ngày 08/02/2023 của Cục trưởng Cục Con nuôi phê duyệt Kế hoạch tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm và các đoàn kiểm tra, tập huấn của Cục Con nuôi tại địa phương năm 2023, Cục Con nuôi tổ chức Đoàn công tác liên ngành gồm các thành viên của Cục Con nuôi, Bộ Tư pháp; Cục Trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội nhằm khảo sát tình hình nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em và thực hiện trách nhiệm chuyển đổi hình thức chăm sóc thay thế cho trẻ em tại các cơ sở trợ giúp xã hội (bao gồm cơ sở nuôi dưỡng trẻ em do các cơ sở tôn giáo thành lập) và kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ công tác nuôi con nuôi trên địa bàn tỉnh Phú Yên, Bình Định và Quảng Ngãi từ ngày 03/4/2023 đến ngày 07/4/2023.
Tại mỗi địa phương, Đoàn công tác do đồng chí Đặng Trần Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Con nuôi làm Trưởng đoàn đã phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tiến hành khảo sát trực tiếp tình hình chăm sóc nuôi dưỡng trẻ em và chuyển đổi hình thức chăm sóc thay thế cho trẻ em tại 03 cơ sở trợ giúp xã hội (tại tỉnh Phú Yên khảo sát tại Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội; tại tỉnh Bình Định khảo sát tại Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội; tại tỉnh Quảng Ngãi khảo sát tại Cô nhi viện Phú Hòa). Ngoài ra, tại các cuộc họp liên ngành ở mỗi địa phương Đoàn công tác đã được các cơ sở trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh báo cáo chi tiết về tình chăm sóc nuôi dưỡng trẻ em và chuyển đổi hình thức chăm sóc thay thế cho trẻ em tại đơn vị mình (tỉnh Phú Yên – 03 cơ sở trợ giúp xã hội; tỉnh Bình Định – 01 cơ sở trợ giúp xã hội; tỉnh Quảng Ngãi – 05 cơ sở trợ giúp xã hội). Kết quả khảo sát cho thấy cơ sở vật chất, đội ngũ nhân viên phục vụ cho công tác chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em được củng cố, kiện toàn, thường xuyên được bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng trong lĩnh vực chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em. Các cơ sở trợ giúp xã hội công lập đã bước đầu thực hiện công tác rà soát, đánh giá nhu cầu của trẻ em để chuyển đổi hình thức chăm sóc thay thế theo quy định của pháp luật, trong đó có hình thức nuôi con nuôi. Tuy nhiên, tại cả 3 địa phương nơi Đoàn thực hiện chuyên khảo sát, vẫn còn một số các cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập chưa thực hiện công tác rà soát, đánh giá nhu càu của trẻ em để thực hiện việc chuyển đổi hình thức chăm sóc thay thế. Trên cơ sở đó, Đoàn công tác đã kiến nghị các cơ sở trợ giúp xã hội, đặc biệt là các cơ sở ngoài công lập cần thực hiện thường xuyên việc đánh giá nhu cầu của trẻ em để chuyển đổi hình thức chăm sóc thay thế cho các cháu theo quy định của pháp luật, đồng thời tăng cường hơn nữa việc ghi chép sổ sách, biểu mẫu theo dõi, đánh giá quá trình phát triển về thể chất, tinh thần và trí tuệ của trẻ em đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội.
|
|
Đoàn công tác đã trực tiếp làm việc với một địa bàn cấp huyện để kiểm tra công tác đăng ký nuôi con nuôi trong nước, đồng thời tổ chức họp liên ngành với sự tham gia của văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Tư pháp, Sở Lao động – Thương binh và xã hội, Công an tỉnh, Ban Tôn giáo tỉnh và các cơ trợ giúp xã hội để trao đổi về tình hình giải quyết nuôi con nuôi nhằm thúc đẩy, khơi thông công tác này trên địa bàn tỉnh.
Về công tác nuôi con nuôi trong nước, Đoàn kiểm tra đã đến làm việc tại Phòng Tư pháp thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, Phòng Tư pháp thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định và Phòng Tư pháp thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi, kiểm tra trực tiếp 29 hồ sơ đăng ký nuôi con nuôi trong nước (12 hồ sơ của 06/14 xã, phường tại thành phố Tuy Hòa; 06 Hồ sơ của 6/21 xã/phường tại thành phố Quy Nhơn và 11 hồ sơ của 7/23 xã, phường tại thành phố Quảng Ngãi). Về cơ bản, việc đăng ký nuôi con nuôi được thực hiện đúng thẩm quyền, đúng trình tự thủ tục, đa số các hồ sơ đảm bảo đầy đủ giấy tờ theo quy định pháp luật, việc vào sổ đăng ký nuôi con nuôi được thực hiện đầy đủ, việc theo dõi tình hình phát triển của trẻ em được nhận làm con nuôi bước đầu đã được thực hiện nghiêm túc ở một số xã.
Qua công tác kiểm tra hồ sơ đăng ký nuôi con nuôi trong nước tại ba địa phương, Đoàn đã kịp thời trao đổi, hướng dẫn, giải đáp những vướng mắc, khó khăn về nghiệp vụ đăng ký nuôi con nuôi trong nước do các Phòng Tư pháp nêu trong buổi kiểm tra, qua đó giúp cho đội ngũ công chức tư pháp - hộ tịch tham dự nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ nhằm bảo đảm việc đăng ký nuôi con nuôi trong nước tuân thủ các quy định về thẩm quyền, thành phần hồ sơ, quy trình thực hiện, lập và quản lý sổ, biểu mẫu.
Theo chương trình làm việc, đoàn công tác đã đến 04 gia đình nhận con nuôi trong nước tại các tỉnh để kiểm tra tình hình phát triển của trẻ em được nhận làm con nuôi trong nước. Theo quan sát của Đoàn công tác và báo cáo của cha mẹ nuôi, về cơ bản, các cháu phát triển tốt về thể chất, tinh thần, có mối quan hệ gắn bó với các thành viên trong gia đình, cha mẹ nuôi và các thành viên trong gia đình hết sức yêu thương các cháu. Khi tiếp xúc với đoàn công tác, các cháu thể hiện sự mạnh dạn, tự tin và lễ phép.
Tại cuộc họp liên ngành về tình hình giải quyết nuôi con nuôi với sự tham gia của đồng chí Phan Thị Hoa, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Phú Yên, đồng chí Châu Thị Hương Lan, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bình Định và đồng chí Nguyễn Vĩnh Lạc Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ngãi. Qua báo cáo của các Sở Tư pháp cho thấy hiện nay trên địa bàn tỉnh Phú Yên có 03 cơ sở trợ giúp xã hội thực hiện công tác nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em (trong đó: 01 cơ sở công lập, 02 cơ sở ngoài công lập) đang quản lý, nuôi dưỡng 72 trẻ em. Tại tỉnh Bình Định có 01 cơ sở trợ giúp xã hội thực hiện công tác nuôi dưỡng trẻ em đang quản lý và chăm sóc 4 trẻ em bị bệnh hiểm nghèo và bị khuyết tật nặng, ngoài ra có trên 100 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đang được chăm sóc nuôi dưỡng tại Làng trẻ em SOS. Tại tỉnh Quảng Ngãi có 05 cơ sở đang chăm sóc và nuôi dưỡng 80 trẻ em. Tuy nhiên, số trẻ em được lập hồ sơ để thực hiện thủ tục tìm gia đình thay thế ở trong nước và nước ngoài còn thấp, vẫn còn tồn tại số lượng lớn trẻ em sống lâu dài trong các cơ sở trợ giúp xã hội.
Đồng chí Trưởng đoàn đã đề nghị các cơ quan, ban ngành tại hai địa phương tăng cường công tác phối hợp liên ngành, quan tâm hơn nữa đến lĩnh vực nuôi con nuôi, chú trọng công tác rà soát, đánh giá nhu cầu của trẻ em để lựa chọn hình thức chăm sóc thay thế phù hợp, tránh để các trẻ em sống lâu dài trong các cơ sở nuôi dưỡng. Với tinh thần “trao đi yêu thương để nhận lại yêu thương”, việc giải quyết nuôi con nuôi cũng là một biện pháp giúp giảm tải gánh nặng xã hội, giảm áp lực cho ngân sách nhà nước đồng thời tạo cơ hội để nhiều trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được sống trong môi trường gia đình. Đồng thời, qua công tác kiểm tra, Đoàn cũng có cơ hội lắng nghe, trao đổi về những vướng mắc, khó khăn, kiến nghị, đề xuất của địa phương trong quá trình triển khai thi hành pháp luật nuôi con nuôi để phục vụ cho việc nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực này.
Nhân dịp đến thăm 03 cơ sở nuôi dưỡng, Đoàn công tác liên ngành đã tặng quà cho các trẻ em và động viên tinh thần các cô nuôi vượt qua những khó khăn để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho các cháu, làm sao để trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt không bị bỏ lại phía sau và được chăm sóc trong những điều kiện tốt nhất có thể.
Đoàn công tác liên ngành kết thúc thành công chuyến công tác, ba tỉnh Phú Yên, Bình Định và Quảng Ngãi đều ghi nhận và đánh giá cao hiệu quả tại các buổi làm việc của Đoàn, đồng thời bày tỏ mong muốn Cục Con nuôi, Bộ Tư pháp tăng cường tổ chức các hoạt động khảo sát, kiểm tra, tập huấn để nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ công chức tư pháp các cấp, kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong việc giải quyết nuôi con nuôi ở địa phương./.