Hội thảo khu vực về Tòa án hình sự quốc tế

23/04/2008
Trong hai ngày 24 và 25 tháng 4 năm 2008, tại Đà Nẵng sẽ diễn ra Hội thảo khu vực về Tòa án hình sự quốc tế, do Bộ Tư pháp Việt Nam phối hợp với Phái đoàn EC tại Việt Nam tổ chức. Hội thảo do Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên và Đại sứ - Trưởng phái đoàn EC tại Việt Nam, Ông Sean Doyle đồng chủ trì.

Mục tiêu của Hội thảo là nhằm nâng cao hiểu biết về nội dung và thực tiễn thi hành Quy chế Rome về Tòa án hình sự quốc tế (Quy chế Rome) thông qua việc tìm hiểu, nghiên cứu về Quy chế cũng  như việc trao đổi kinh nghiệm và thực tiễn pháp luật của các nước thành viên. Kiến  thức và kinh nghiệm thu thập được từ Hội thảo này sẽ giúp các cơ quan của Việt Nam tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện Đề án gia nhập Quy chế Rome.

Tham dự Hội thảo có 21 đại biểu quốc tế là các thẩm phán, chuyên gia của Tòa án hình sự quốc tế (ICC), quan chức pháp luật của một số nước Châu Âu và Châu Á là thành viên của Quy chế Rome. Về phía Việt Nam sẽ có khoảng 50 đại biểu của các cơ quan Đảng, Quốc hội, các cơ quan tư pháp và pháp luật , các viện nghiên cứu, trường đại học, Hội luật gia Việt Nam…

Hội thảo chia làm 6 phiên thảo luận chính: 1) Giới thiệu Quy chế Rome về Tòa án hình sự quốc tế; 2) Pháp luật Việt Nam và Quy chế Rome về Tòa án hình sự quốc tế; 3) Nghĩa vụ hợp tác theo Quy chế Rome; 4) Quy chế Rome và chủ quyền quốc gia; 5) Gia nhập Quy chế Rome và 6) Hướng phát triển và hoàn thiện Quy chế Rome trong tương lai.

Các thẩm phán, chuyên gia của Tòa án hình sự quốc tế và các nước thành viên Quy chế Rome sẽ giới thiệu chi tiết các nội dung Quy chế Rome, những thành tựu mà Tòa án hình sự quốc tế đã và đang đóng góp cho hòa bình và công lý quốc tế; chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn của các nước  đã gia nhập Quy chế Rome trong việc hoàn thiện pháp luật để thực hiện tốt nghĩa vụ của nước thành viên, đồng thời phân tích và chia sẻ những thách thức mà Việt Nam cần tính đến trong quá trình gia nhập Quy chế  Rome.

Tham luận của các cơ quan Việt Nam tập trung chủ yếu vào các mối quan hệ giữa các quy định của Quy chế Rome với các chủ trương, chính sách của Việt Nam về tư pháp hình sự trước yêu cầu cải cách tư pháp hiện nay;  so sánh Quy chế Rome với các quy định trong Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, các quy định về tương trợ tư pháp về hình sự và dẫn độ tội phạm của Việt Nam; những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam trong trường hợp gia nhập Quy chế Rome; và trình tự, thủ tục gia nhập Quy chế Rome theo quy định của Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế của Việt Nam.

Toà án hình sự quốc tế (tiếng Anh: International Criminal Court-viết tắt là ICC, tiếng Pháp: Cour pénale internationale-viết tắt là CPI) là thiết chế tài phán quốc tế thường trực, được thành lập vào năm 1998 theo Quy chế Rome về Toà án hình sự quốc tế (Rome Statute of the International Criminal Court) và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01 tháng 7 năm 2002 khi có đủ số quốc gia phê chuẩn. Với mục tiêu nhằm truy tố và xét xử những cá nhân phạm các tội ác quốc tế nghiêm trọng nhất, ảnh hưởng đến toàn bộ cộng đồng quốc tế như tội diệt chủng, tội chống nhân loại, tội ác chiến tranh và tội xâm lược, sự ra đời của ICC được coi là một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử phát triển của luật hình sự và luật nhân đạo quốc tế. Toà án ICC là kết quả của sự đồng thuận trong cộng đồng quốc tế về việc nghiêm trị thích đáng những kẻ phạm những tội ác nghiêm trọng nhất của loài người, đồng thời răn đe tội phạm trong tương lai, qua đó góp phần gìn giữ hoà bình, an ninh trên thế giới.  ICC ra đời đánh dấu 50 năm hoạt động tích cực của các quốc gia thành viên Liên Hợp quốc nhằm duy trì trật tự công lý quốc tế. Sự ra đời của Toà án hình sự quốc tế là bước phát triển mang tính đột phá của hệ thống công pháp quốc tế, mang lại cho luật hình sự quốc tế cơ chế thực thi trực tiếp và góp phần bảo đảm tốt hơn việc thực thi luật nhân đạo cũng như luật nhân quyền quốc tế.  

Đối với Nhà nước Việt Nam, mặc dù chưa là thành viên của Quy chế Rome, song kể từ khi ra đời , chúng ta là quốc gia luôn giương cao ngọn cờ đấu tranh bảo vệ quyền con người, bảo vệ công lý thông qua sự nhất quán về quan điểm, đường lối chính sách, pháp luật trong việc đấu tranh vì sự tự do, hạnh phúc của con người, vì một thế giới không có tội ác. Quá trình đấu tranh cách mạng ở Việt Nam qua các giai đoạn cách mạng dân tộc, cách mạng dân chủ đều gắn liến với các mục tiêu giải phóng dân tộc, phát triển đất nước, đề cao, tôn trọng và bảo vệ quyền con người thông qua chính sách hình sự cụ thể. Có thể nói, lịch sử Việt nam hiện đại là lịch sử không ngừng phát triển nhằm loại bỏ những trở ngại cho sự phát triển theo hướng nhân văn, gắn liền với việc tôn trọng và đề cao quyền tự do và phẩm gia của dân tộc và con người.

Tôn trọng các giá trị tiến bộ của Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền, Nhà nước Việt Nam cũng đã tham gia nhiều công ước quốc tế về quyền con người, liên quan đến chức năng điều tra, truy tố và xét xử của Toà án hình sự quốc tế như Công ước không áp dụng những hạn chế luật định đối với tội phạm chiến tranh và tội ác chống nhân loại (1965); Công ước về ngăn ngừa và trừng trị tội diệt chủng (1948); Công ước về ngăn chặn và trừng trị tội Apacthai (1973) v.v… Như vậy, cả trong hệ thống quan điểm cũng như hành động thực tiễn, Việt Nam luôn luôn  nhất quán và kiên định theo đuổi mục tiêu đấu tranh vì công lý vì sự tiến bộ và phát triển của nhân loại. Việc nghiên cứu gia nhập Quy chế Rome vừa là quyền lợi, đồng thời cũng là sự đóng góp tích cực của Việt Nam vào quá trình đấu tranh bảo vệ công lý vì sự bình yên và tiến bộ chung của nhân loại hiện nay.

Đặng Hoàng Oanh - Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp