Tiếp sau phiên họp Ban soạn thảo ngày 17/4/2008, sáng nay (ngày 22/04/2008) tại Phòng họp số 2 (trụ sở Bộ Tư pháp), Tổ biên tập dự án Luật Đăng ký bất động sản đã báo cáo Bộ trưởng - Trưởng ban soạn thảo về dự án Luật nêu trên.
Tham gia họp có thành viên Tổ biên tập là đại diện của Vụ Pháp luật thuộc Văn phòng Chính phủ; Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, đại diện các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp và các thành viên nhóm thường trực Dự án luật đăng ký bất động sản.
Sau khi nghe báo cáo của đồng chí Nguyễn Thúy Hiền - Tổ trưởng Tổ biên tập và các thành viên dự họp, đồng chí Bộ trưởng Hà Hùng Cường - Trưởng ban soạn thảo Dự án Luật đăng ký bất động sản khẳng định dự án Luật có ý nghĩa rất quan trọng. Do vậy, nếu được xây dựng theo những quan điểm cơ bản đã có sự nhất trí của các Bộ, ngành và đã được thể hiện rõ trong Nghị quyết số 07/2007/NQ-QH thì sẽ là bước đột phá quan trọng, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường. Do đó, Cục Đăng ký cần tích cực phối hợp với các đơn vị có liên quan đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án Luật nêu trên và trình Chính phủ, Quốc hội xem xét, thông qua.
Đồng chí Bộ trưởng chỉ đạo, đây là dự thảo Luật mang tính cải cách, có liên quan đến nhiều Luật khác nên trong quá trình xây dựng dự thảo Luật cần rà soát những quy định có liên quan trong các văn bản như: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Bảo vệ và phát triển rừng... Những quy định nào cần huỷ bỏ, sửa đổi thì phải quy định cụ thể trong dự thảo Luật Đăng ký bất động sản.
Đối với những nội dung cụ thể do Tổ biên tập đưa ra xin ý kiến, Bộ trưởng đã chỉ đạo như sau:
(1). Về mục tiêu và quan điểm xây dựng luật: Về cơ bản thống nhất với mục tiêu xây dựng Luật. Tuy nhiên, những quan điểm nêu trong báo cáo cần được lựa chọn để trích dẫn sát và chính xác hơn.
(2). Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng đăng ký: Luật Đăng ký bất động sản được xây dựng thành luật chung điều chỉnh về bất động sản. Tuy nhiên, Tổ biên tập cần nghiên cứu làm rõ “bất động sản” được đăng ký ngoài quyền sử dụng đất, công trình xây dựng, rừng sản xuất là rừng trồng, vườn cây lâu năm thì còn loại bất động sản nào? Đối với các công trình ngầm, tài sản thuộc sở hữu công, diện tích mặt nước nuôi trồng thuỷ sản, công trình giao thông... có thuộc phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật này không?
(3). Giá trị pháp lý của việc đăng ký: Đăng ký ban đầu có giá trị xác lập quyền; đăng ký biến động có giá trị đối kháng, xác định thứ tự ưu tiên. Trên cơ sở đó, Tổ biên tập cần nghiên cứu để xây dựng kết cấu theo hướng “tách” đăng ký ban đầu và đăng ký biến động thành từng chương riêng biệt.
(4). Về cơ quan đăng ký bất động sản: Nên phát huy vai trò của Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, đặc biệt chú ý vai trò của Văn phòng đăng ký cấp huyện. Trong quá trình thực hiện quy trình đăng ký phải tạo được sự liên thông giữa cơ quan đăng ký, cơ quan công chứng, cơ quan thuế, cơ quan xây dựng và địa chính.
(5). Về cơ quan quản lý nhà nước về đăng ký bất động sản: Cần giao cho hệ thống Tài nguyên và Môi trường thực hiện chứ năng này.
(6). Về Giấy chứng nhận: Trên cơ sở truyền thống pháp luật, tâm lý của người dân, Tổ biên tập cần nghiên cứu, xem xét việc quy định về Giấy chứng nhận cho phù hợp. Song, vẫn đảm bảo mục tiêu thông tin trong cơ sở dữ liệu tại cơ quan đăng ký là thông tin gốc. Người dân khi có yêu cầu sẽ được cấp Giấy chứng nhận có các thông tin từ cơ sở dữ liệu. Trên cơ sở đó giao cho Văn phòng đăng ký (Đăng ký viên) cấp loại Giấy chứng nhận nêu trên.
7. Về chức danh Đăng ký viên: Phải là chức danh do Nhà nước bổ nhiệm, thực hiện việc đăng ký bất động sản.
8. Ngoài ra, Tổ biên tập cũng cần nghiên cứu quy định như thế nào cho hợp lý đối với trường hợp dịch chuyển quyền liên quan đến bất động sản (chấm dứt quyền của người bán, xác lập quyền của người mua).
Trên cở sở ý kiến chỉ đạo nêu trên, Bộ trưởng yêu cầu Cục Đăng ký đẩy nhanh tiến độ, chỉnh lý dự thảo để báo cáo Ban soạn thảo cho ý kiến vào tuần đầu tháng 5/2008.
Thu Thuỷ - Cục Đăng ký