Thực hiện Kế hoạch hoạt động của Dự án năm 2007 - 2008, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với Dự án Hỗ trợ cải cách pháp luật (LERAP) CIDA Canada tổ chức Toạ đàm về kỹ năng thẩm định điều ước quốc tế cho cán bộ pháp lý của Việt Nam, dự kiến Toạ đàm sẽ diễn ra trong hai ngày 28 -29 tháng 4 năm 2008 tại Khách sạn Melia - Hà Nội, do ông Hoàng Phước Hiệp - Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế và ông André Gariépy, Giám đốc Văn phòng Dự án Hỗ trợ cải cách pháp luật LERAP đồng chủ trì.
Tham dự Hội thảo có các Giáo sư, luật sư đến từ Canada và hơn 30 đại biểu đến từ các Bộ, ngành liên quan như Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học công nghệ, Bộ Công Thương…và nhiều chuyên viên của các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp. Mục đích của Toạ đàm nhằm cung cấp cho các cán bộ pháp lý thực hiện hoạt động thẩm định điều ước quốc tế những thông tin về khuôn khổ pháp luật Việt Nam hiện hành liên quan tới hoạt động thẩm định điều ước quốc tế, kinh nghiệm của Canada và nước ngoài khi tiến hành thẩm định điều ước quốc tế cũng như những kỹ năng cần thiết để thẩm định một điều ước quốc tế.
Toạ đàm dự kiến sẽ tập trung vào một số nội dung chính như giới thiệu tổng quan về khuôn khổ pháp lý quốc tế về điều ước quốc tế; tổng quan về khuôn khổ chính sách pháp luật về điều ước quốc tế; cách tiếp cận của Chính phủ đối với việc thẩm định điều ước quốc tế trong quá trình đàm phán; tổng quan về cơ chế giám sát thực thi điều ước quốc tế trong các lĩnh vực khác nhau như môi trường, thương mại, quyền xã hội, chính trị và quyền con người; các tiếp cận của Chính phủ trong việc đánh giá điều ước quốc tế ở giai đoạn thực thi. Những nội dung này đều do các giáo sư và luật sư đến từ các trường đại học và Công ty luật của Canada trình bày.
Ngoài ra, tại buổi toạ đàm các đại biểu sẽ được nghe các chuyên gia có kinh nghiệm trong đàm phán, thẩm định điều ước quốc tế của Bộ Tư pháp trình bày tổng quan về khuôn khổ pháp lý, chính sách về điều ước quốc tế của Việt Nam; một số vấn đề pháp lý và thực tiễn về soạn thảo và đàm phán điều ước quốc tế của Việt Nam; thực tiễn đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản và Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - Nhật Bản; một số vấn đề pháp lý và thực tiễn về thực thi điều ước quốc tế tại Việt Nam. Đặc biệt, tại buổi Toạ đàm các đại biểu sẽ thực hành kỹ năng thẩm định một số điều ước quốc tế dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Ted L. McDorman đến từ Khoa luật, Đại học Victoria, British Columbia, Canada và Luật sư Christopher J.Cochlin, Công ty luật Fraser Milner Casgrain, Canada.
Theo quy định của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế thì điều ước quốc tế phải được thẩm định trước khi trình Chính phủ về việc đàm phán, ký kết và trách nhiệm này thuộc về Bộ Tư pháp. Thẩm định điều ước quốc tế là hoạt động hết sức phức tạp, bao gồm việc nghiên cứu, xem xét, đánh giá về nội dung và hình thức của điều ước quốc tế nhằm bảo đảm tính hợp hiến, mức độ tương thích của điều ước quốc tế với các quy định của pháp luật Việt Nam; xem xét, đánh giá về khả năng áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế tại Việt Nam và kiến nghị các biện pháp sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế.
Hiện nay, Việt Nam đã đàm phán và ký kết rất nhiều điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước và nhân danh Chính phủ với nhiều hình thức khác nhau như hiệp ước, công ước, hiệp định, nghị định thư, bản ghi nhớ…và việc ký kết các điều ước quốc tế với một hay nhiều quốc gia, các tổ chức quốc tế sẽ ngày càng gia tăng nhiều hơn nữa trong bối cảnh Việt Nam đã trở thành thành viên của Tổ chức thương mại thế giới, điều này cũng phần nào khẳng định được vị thế của Việt Nam trong mối quan hệ với quốc tế và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển về kinh kế, văn hoá, xã hội của Việt Nam. Do vậy, để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành mình trong việc đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, khả năng áp dụng toàn bộ hay một phần cũng như các yêu cầu về sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quy chế thẩm định điều ước quốc tế (ban hành kèm theo Quyết định số 06/2006/QĐ-BTP ngày 24 tháng 7 năm 2006) quy định cụ thể, chi tiết về nội dung, trình tự, thủ tục thẩm định điều ước quốc tế. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng trong hoạt động thẩm định điều ước quốc tế thì ngoài việc nắm bắt các yêu cầu luật định đòi hỏi các cán bộ pháp lý chuyên trách phải được trang bị sâu về những kỹ thuật và kỹ năng cần thiết cho quá trình thực hiện thẩm định, cũng như kinh nghiệm được rút ra từ thực tiễn trong hoạt động này. Do vậy, với những nội dung chính sẽ được đề cập tại Toạ đàm sẽ có ý nghĩa thiết thực đối với các cán bộ pháp lý thực hiện hoạt động này.
Trần Thị Tuý - Vụ Pháp luật quốc tế