Hội thảo quốc tế về ICC: Con đường dẫn đến thành Rome!

25/04/2008
Hội thảo quốc tế về ICC: Con đường dẫn đến thành Rome!
Hôm qua (24/4), Hội thảo quốc tế 2 ngày về Toà án Hình sự Quốc tế (ICC) do Bộ Tư pháp phối hợp Phái đoàn Uỷ ban châu Âu (EC) tổ chức đã khai mạc tại Đà Nẵng. Những thông tin liên quan tới Quy chế Rome năm 1998 về ICC do các thẩm phán, chuyên gia của ICC cung cấp, những kinh nghiệm và thực tiễn pháp luật được các nước thành viên trao đổi trong Hội thảo sẽ giúp cho Việt Nam có cơ hội hoàn thiện Đề án nghiên cứu tổng thể về ICC để có thể gia nhập thiết chế tư pháp quốc tế này một cách nhanh nhất.

Quy chế Rome - sự phát triển mới của luật quốc tế hiện đại

Theo Thẩm phán Peter Kaul - Chủ tịch Phòng Tiền xét xử, ICC, Quy chế Rome quy định việc thành lập ICC có thẩm quyền xét xử các tội phạm nghiêm trọng đối với cộng đồng quốc tế, bao gồm tội diệt chủng, tội chống loài người, tội phạm chiến tranh và tội xâm lược khi mà hệ thống tư pháp của các quốc gia không tự nguyện hoặc không có đủ khả năng đưa vụ việc ra xét xử. Với nguyên tắc “bình đẳng trước pháp luật và pháp luật bình đẳng với mọi người” và cơ sở tự do nhất trí của cộng đồng quốc tế, ICC đã đã góp phần tích cực vào việc bảo vệ tốt hơn quyền con người, giữ gìn công lý, đem lại sự ổn định về an ninh, chính trị và duy trì hoà bình trên thế giới. Ông Kaul thừa nhận, mặc dù được đánh giá là “bước đột biến” trong pháp luật quốc tế hiện đại nhưng ICC đang phải đối mặt với 4 nhiệm vụ quan trọng. Cụ thể, ICC cần củng cố trở thành một toà án quốc tế với đầy đủ chức năng; Văn phòng Công tố phải tiếp tục tự phát triển thành một cơ chế ngày càng hiệu quả để truy tố các tội phạm nghiêm trọng trên; ICC cần phát triển được một mạng lưới hợp tác hình sự quốc tế và nhất là cần sự công nhận quốc tế rộng hơn, cần có nhiều nước hơn gia nhập Quy chế Rome.

Giới thiệu thêm về Quy chế Rome, ông Morten Bergsmo – Nghiên cứu viên cao cấp, Trưởng Phòng Công tố, ICC – cho biết, đây không phải là sự pháp điển hoá chung, mà đơn giản chỉ là quy chế của một toà án quốc tế. Trở thành thành viên của Quy chế Rome, một nước sẽ đồng ý rằng ICC có thể thực hiện quyền tài phán đối với các tội phạm quy định từ Điều 5 – 8 của Quy chế. Cũng theo ông Bergsmo, các tội phạm này được định nghĩa chính xác hơn so với pháp luật quốc gia của nhiều nước, song do được các nhà ngoại giao xây dựng thông qua quy trình đa phương nên chúng vẫn còn đơn giản, thậm chí sơ sài.

Gia nhập Quy chế Rome - những thách thức đặt ra

Trong xu thế toàn cầu hoá, việc Việt Nam gia nhập Quy chế Rome là hoàn toàn phù hợp và cần thiết nhằm thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của công tác đối ngoại là giữ vững môi trường hoà bình, tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc đổi mới đất nước, góp phần vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội. Tuy nhiên, điều đó cũng có nghĩa, Việt Nam sẽ gặp phải nhiều khó khăn, trở ngại. Trước hết, một số quốc gia, thường là các nước châu Á, tỏ ra lo ngại về tính khách quan và vô tư của ICC vì cho rằng hoạt động của Toà án này đe doạ chủ quyền của các quốc gia và nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia như đã khẳng định trong Hiến chương LHQ… Các cường quốc như Hoa Kỳ, Nga và Trung Quốc từ chối tham gia, tạo tâm lý ngần ngại cho nhiều nước khác muốn gia nhập Quy chế Rome. Riêng Hoa Kỳ còn vận động các quốc gia ký kết Hiệp định song phương về miễn trừ (BIA) với mình, nếu không sẽ phải gánh chịu những hậu quả bất lợi về nhiều mặt (cắt đứt quan hệ ngoại giao, không cung cấp viện trợ, cấm vận kinh tế…).

Tiếp đến, theo tôn chỉ mang tính bổ sung cho hệ thống tư pháp quốc gia và ICC chỉ vào cuộc để đưa vụ việc ra xét xử khi hệ thống toà án của quốc gia thành viên bất lực hoặc không xét xử vụ việc đó. Như vậy, bất cứ lúc nào ICC cũng có thể nhảy vào cuộc để xét xử một vụ việc xảy ra ở một quốc gia nào đấy - một rủi ro lớn đối với các quốc gia thành viên trong việc bảo vệ chủ quyền của họ. Không những thế, hiện ICC chưa đưa ra được khái niệm về tội xâm lược và đã khiến nhiều người băn khoăn có phải nó gây ảnh hưởng bất lợi cho một số nước được coi là cường quốc.

Còn về phía Việt Nam, tuy đã tiến hành nghiên cứu nhưng chúng ta chưa chuẩn bị được nhiều. Hệ thống văn bản pháp luật hình sự của Việt Nam nói chung có nhiều điểm chưa tương thích với Quy chế Rome, chẳng hạn, phần các tội danh, hình phạt, tuổi chịu trách nhiệm hình sự… Hơn nữa, năng lực hoạt động của các cơ quan tư pháp, trình độ của đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất, kỹ thuật, nguồn tài chính của Việt Nam chưa thể đáp ứng được tốt các yêu cầu trong Quy chế Rome.

Vì thế, các đại biểu đều thống nhất, để gia nhập, Đảng và Nhà nước ta phải có quyết tâm về mặt chính trị trên cơ sở kết quả nghiên cứu khoa học các vấn đề và so sánh pháp luật về hình sự trong nước với Quy chế Rome cũng như tiếp tục theo dõi sự phát triển của ICC bởi Quy chế cũng có những hạn chế nhất định. Đại diện Vụ Pháp luật và điều ước quốc tế (Bộ Ngoại giao) đề xuất, trước mắt sẽ tạm thời áp dụng trực tiếp các quy định của Quy chế liên quan đến việc xét xử các tội phạm đồng thời ban hanh văn bản pháp luật riêng về hợp tác với ICC. Về lâu dài, sẽ nghiên cứu đưa các quy định về xét xử tội phạm trong Quy chế vào Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự. Đại biểu này lưu ý, trường hợp chúng ta đưa ra được kiến nghị về việc áp dụng trực tiếp những nội dụng của Quy chế và dự thảo được văn bản pháp luật về việc hợp tác, thì năm 2009 – năm diễn ra Hội nghị kiểm điểm Quy chế Rome - sẽ là thời điểm gia nhập thích hợp. Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự Hành chính (Bộ Tư pháp) Nguyễn Công Hồng hy vọng, con đường gia nhập Quy chế Rome của mỗi nước là khác nhau nhưng sau Hội thảo lần này, “con đường dẫn đến thành Rome” của Việt Nam có thể được rút ngắn.

Hoàng Thư

Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên: Là một quốc gia yêu chuộng hoà bình và công lý, lại đã từng là nạn nhân của chiến tranh xâm lược, Việt Nam đã tham gia tích cực vào cuộc vận động thành lập ICC như cử chuyên gia theo dõi và tham gia các phiên họp của Uỷ ban Adhoc và Uỷ ban trù bị thành lập ICC từ những năm 1995. Tuy nhiên, Quy chế Rome là một điều ước quốc tế đa phương đồ sộ về quy mô và phức tạp về nội dung mà việc thực hiện đòi hỏi những điều kiện tương đối khắt khe, có thể ảnh hưởng tới nhiều mặt của đời sống xã hội, đặc biệt đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung hệ thống luật pháp nên Việt Nam cần nghiên cứu kỹ lưỡng nội dung của Quy chế trước khi xem xét, quyết định việc gia nhập.

 

Ngày 17/7/1998, 120 quốc gia đã bỏ phiếu thông qua Quy chế Rome về ICC. Lần đầu tiên trong lịch sử, một cơ chế xét xử hình sự quốc tế mang tính chất thường trực của nhân loại được thành lập để xét xử những tội phạm quốc tế nghiêm trọng nhất, chấm dứt hình thức miễn trừ quốc gia đối với các tội phạm chống lại loài người. Hiện, đã có 106 quốc gia phê chuẩn và gia nhập Quy chế Rome, khoảng 40 quốc gia khác đã ký nhưng chưa phê chuẩn. Riêng Việt Nam đang nghiên cứu để phê chuẩn và gia nhập Quy chế Rome.