Theo Vụ trưởng Vụ Pháp luật Quốc tế Hoàng Phước Hiệp, trong phạm vi thẩm quyền được giao, Bộ Tư pháp sẽ chuẩn bị Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Tương trợ tư pháp. Nghị định này sẽ tập trung hướng dẫn hai nội dung chủ yếu đã được Luật giao cho Chính phủ là quy định liên quan đến chi phí thực hiện tương trợ tư pháp về miễn giảm chi phí thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự, chi phí tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù, về cách thu và quản lý thực hiện tương trợ tư pháp, về ngân sách đảm bảo thực hiện tương trợ tư pháp…; và quy định về cơ chế thực hiện công tác báo cáo, thống kê hoạt động tương trợ tư pháp. Ông Bùi Ngọc Nhuần (Văn phòng Chính phủ) khẳng định, hoạt động tương trợ tư pháp là một lĩnh vực mới mẻ và khá phức tạp nên việc xây dựng Nghị định rất cần sự phối hợp của các ngành. Đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, VKSNDTC, TANDTC nhất trí với đề xuất kế hoạch tập huấn của Bộ Tư pháp, trong đó các lớp tập huấn chung do Bộ Tư pháp chủ trì, các lớp tập huấn của từng ngành sẽ có sự phối hợp của các bộ, ngành liên quan. Tuy nhiên, có đại biểu thắc mắc, chi phí thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự được quy định trong Nghị định liệu đã hợp lý chưa hay chỉ nên hướng dẫn trong thông tư của Bộ Tư pháp. Về vấn đề này, ông Hoa Hữu Long – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế trích dẫn Điều 16 của Luật, công dân thuộc trường hợp được trợ giúp pháp lý thì có thể được xem xét hỗ trợ chi phí thực hiện uỷ thác tư pháp theo quy định của Chính phủ.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Hoàng Thế Liên cho biết, các bộ ngành sẽ ban hành khoảng 3 thông tư liên tịch hướng dẫn về dẫn độ (do Bộ Công an chủ trì), tương trợ tư pháp trong dân sự (Bộ Tư pháp chủ trì), tương trợ tư pháp trong hình sự (do VKSNDTC chủ trì). Thứ trưởng còn đề nghị, các bộ ngành đẩy mạnh tuyên truyền Luật trên các phương tiện thông tin đại chúng, trước hết là trên các cơ quan ngôn luận của chính bộ, ngành mình.
Hoàng Thư