Hội thảo chuyên đề “Tổng rà soát văn bản quy phạm pháp luật”

17/04/2008
Hội thảo chuyên đề “Tổng rà soát văn bản quy phạm pháp luật”
Là một nước rất có kinh nghiệm trong công tác lập pháp cũng như pháp điển hoá hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), nhưng năm 1948, Chính phủ Cộng hoà Pháp đã thất bại khi làm một bộ pháp điển hoá các VBQPPL, tập hợp các văn bản đang nằm rải rác lại mà không thay đổi nội dung các quy định của pháp luật. Năm 1996, Việt Nam cũng thất bại trong công tác rà soát VBQPPL khi không đưa ra được kết quả cuối cùng của đợt tổng rà soát. Làm thế nào để tránh được những thất bại này là một trong những nội dung được Hội thảo chuyên đề “Tổng rà soát văn bản quy phạm pháp luật” do Nhà Pháp luật Việt – Pháp tổ chức trong hai ngày 16 và 17/4 đề cập tới.

Kinh nghiệm Pháp: làm nhanh không hiệu quả

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho biết, việc rà soát, hệ thống hoá VBQPPL dù đứng ở khía cạnh nhà nước hay công dân cũng đều hết sức cần thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật. Qua 20 năm đổi mới, số lượng VBQPPL được ban hành đã gấp nhiều lần số lượng VBQPPL được ban hành từ năm 1945 đến năm 1986. Những văn bản này một mặt đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội, thực hiện mục tiêu nhà nước quản lý bằng pháp luật, nhưng một mặt do nhiều cơ quan ban hành tại nhiều thời điểm khác nhau nên không tránh khỏi tình trạng cồng kềnh, mâu thuẫn, chồng chéo. Nhằm khắc phục điều này, Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp làm đầu mối giúp Chính phủ xây dựng một Đề án tổng rà soát, hệ thống hoá VBQPPL do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành từ năm 1976 đến nay. Nếu được Quốc hội thông qua, việc tổng rà soát sẽ được tiến hành trong 2 năm (2009 – 2010). Ông Patrice Burel, Giám đốc Văn phòng Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương , Tổ chức quốc tế Pháp ngữ nhận định, việc rà soát VBQPPL phục vụ quá trình phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng nhà nước pháp quyền là rất quan trọng, nhất là khi Việt Nam đã gia nhập WTO. Ở Pháp, có một cơ quan có trách nhiệm đảm bảo tính thống nhất của hệ thống VBQPPL nằm trong sự giám sát của Tham Chính viện và Cộng hoà Pháp cũng là nước rất có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, áp dụng kinh nghiệm pháp điển hoá VBQPPL của Cộng hoà Pháp vào quá trình tổng rà soát VBQPPL của Việt Nam như thế nào cho phù hợp là điều không đơn giản. Ông Matthias Guyomar, chuyên gia đến từ Tham Chính viện, Cộng hoà Pháp cho biết, ở Pháp, công tác pháp điển hoá đã được tiến hành từ lâu. Từ năm 1579, việc tập hợp, thống nhất các bộ luật đã được tiến hành. Tuy chưa phải là pháp điển hoá nhưng công việc tập hợp, thống nhất các bộ luật này cũng phải tiến hành trong 8 năm và tới năm 1587 mới hoàn thành. Đến năm 1948, một Uỷ ban Nghiên cứu việc đơn giản hoá và pháp điển hoá các VBQPPL của Pháp được thành lập. Kết quả của đợt pháp điển hoá này là 40 bộ pháp điển ra đời nhưng không động đến nội dung văn bản. “Do Chính phủ muốn làm nhanh, lại không có Tham chính viện tham gia nên các bộ pháp điển này thực ra chỉ mới tập hợp các VBQPPL đang nằm rải rác lại, không động đến nội dung. Kết quả là có sự chồng chéo, dẫn đến hai cách đọc: một văn bản gốc và một văn bản đã pháp điển. Nhiều văn bản khi đưa vào bộ pháp điển đã trở nên lỗi thời, thay vì thay đổi luật, bộ luật đó, các nhà lập pháp tác động thẳng vào bộ pháp điển, trong khi những văn bản do Nghị viện ban hành thì chỉ Nghị viện mới có thể huỷ bỏ, thành ra rất khó cho người dân trong quá trình thực hiện. Nhiều vấn đề nảy sinh khiến người dân phải đưa ra toà hành chính và Toà án đã tuyên huỷ một số nội dung của các bộ pháp điển… Những hạn chế này mãi tới năm 1989 chúng tôi mới nhận thấy” – Ông Matthias Guyomar cho biết. Bài học mà ông Matthias Guyomar đưa ra cho các đại biểu phía Việt Nam là: “cách làm nhanh không hiệu quả”.

Việt Nam đang làm ngược lại cách làm của Pháp

Ở Pháp, chúng tôi phải mất từ 3 đến 4 năm để làm một bộ pháp điển lớn, nhưng ở đây các bạn chỉ có 2 năm. Nếu làm một bộ luật trong một lĩnh vực đã lớn, nếu các bạn làm trong tất cả các lĩnh vực thì đó thật là tham vọng, nên để giãn tiến độ đó lại” – ông  Matthias Guyomar nhiều lần nhắc lại từ “tham vọng” trong quá trình thảo luận. Ông Matthias Guyomar cũng cho rằng, để pháp điển hoá không làm thay đổi nội dung văn bản, nhất thiết cần tiến hành qua 5 giai đoạn khác nhau. Một là, thống kê triệt để, đầy đủ các VBQPPL. Hai là, sắp xếp, tập hợp văn bản. Ba là, gia cố lại VBQPPL mặc dù giai đoạn này không phải lúc nào cũng được thực hiện. Bốn là rà soát, làm sạch hệ thống VBQPPL và giai đoạn thứ 5 mới là tổng hợp lại (pháp điển hoá). Bốn bước đầu tiên rất quan trọng, làm cơ sở cho bước thứ 5. Qua phân tích ý tưởng mà Bộ Tư pháp Việt Nam đưa ra, ông Matthias Guyomar cho rằng Việt Nam đang định thực hiện 4 bước đầu tiên. “Công việc của các bạn có thể thực hiện được nếu ngay từ bây giờ các bạn lựa chọn có pháp điển hoá hay không. Nếu muốn pháp điển hoá thì phải lựa chọn ngay từ bây giờ” – Ông Matthias Guyomar đặt câu hỏi. Trả lời câu hỏi này, ông Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL cho biết, trước mắt, với thời gian dự kiến là 2 năm, chỉ đủ để tổng rà soát, Việt Nam sẽ thực hiện 4 giai đoạn đầu như ông Matthias Guyomar đã phân tích, nhưng giai đoạn thứ 5 cũng là mong muốn và ý tưởng của đợt tổng rà soát này. Ông Matthias Guyomar cho biết, theo phương pháp của Pháp, việc pháp điển hoá được tiến hành ở từng lĩnh vực một và đã làm là làm đủ cả 5 giai đoạn. Còn cách làm mà Việt Nam đang lựa chọn hiện nay là làm tất cả các lĩnh vực trong cùng một lúc nhưng chỉ làm 4 giai đoạn. “Nếu các bạn tiến hành cả 5 giai đoạn trên tất cả các lĩnh vực thì khó thực thi vì khối lượng công việc quá đồ sộ và khó đáp ứng về mặt vật chất. Nhưng nếu để chờ đợi quá lâu giữa giai đoạn 4 và giai đoạn 5 thì hệ thống luật pháp lại đã có sự thay đổi, một số quy tắc pháp luật lại đã lỗi thời” – ông Matthias Guyomar e ngại. Bởi vậy, lời khuyên cho phía Việt Nam mà ông Matthias Guyomar đưa ra là phải đưa ra được triển vọng cho giai đoạn thứ 5 và cần nhanh chóng làm ngay giai đoạn 5 sau khi đã thực hiện xong 4 giai đoạn đầu. Tuy nhiên, ở giai đoạn thứ 5 cũng nên có sự ưu tiên cho từng khu vực, từng lĩnh vực thì mới có hiệu quả.

Hội thảo sẽ được tiến hành đến hết ngày hôm nay (17/4)

Hồng Thuý