Khảo sát khả năng thành lập mô hình hỗ trợ nuôi con nuôi tại Quảng Ninh, Bình Dương và TP.Hồ Chí Minh

13/06/2022
Khảo sát khả năng thành lập mô hình hỗ trợ nuôi con nuôi tại Quảng Ninh, Bình Dương và TP.Hồ Chí Minh
Thực hiện kế hoạch công tác năm 2022 đã được phê duyệt tại Quyết định số 122/QĐ-BTP ngày 27/01/2022 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Quyết định số 72/QĐ-CCN ngày 18/02/2022 của Cục trưởng Cục Con nuôi phê duyệt Kế hoạch tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tập huấn và các đoàn kiểm tra, khảo sát tại địa phương năm 2022, Cục Con nuôi tổ chức Đoàn khảo sát nhằm đánh giá khả năng thành lập mô hình tổ chức hỗ trợ nuôi con nuôi tại các tỉnh Quảng Ninh, Bình Dương và thành phố Hồ Chí Minh các ngày 30, 31/5/2022 và 07-10/6/2022.
Đoàn khảo sát do đồng chí Phạm Thị Kim Anh – Phó Cục trưởng Cục Con nuôi làm trưởng đoàn, phối hợp với Sở Tư pháp, Sở LĐ-TBXH tại địa phương đã tiến hành khảo sát trực tiếp tại một số phòng tư pháp và một số trung tâm công tác xã hội, trung tâm trợ giúp xã hội trên địa bàn các tỉnh. Tại tỉnh Quảng Ninh, Đoàn tiến hành khảo sát tại Trung tâm công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh, Cơ sở bảo trợ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh Quảng Ninh và Phòng Tư pháp thành phố Uông Bí. Tại tỉnh Bình Dương, Đoàn khảo sát tại Trung tâm bảo trợ và công tác xã hội tỉnh Bình Dương, Cơ sở bảo trợ xã hội Thiện Tâm Viên Đức, hai Phòng Tư pháp huyện Phú Giáo và thị xã Bến Cát. Tại thành phố Hồ Chí Minh, Đoàn khảo sát tại hai Phòng Tư pháp quận 4 và quận Bình Thạnh.
Đa số công chức tư pháp-hộ tịch, cha mẹ nuôi có mặt tại buổi khảo sát ở các địa bàn khảo sát đều cho rằng công tác hỗ trợ nuôi con nuôi là vô cùng cần thiết, nhằm hỗ trợ kỹ thuật cho người nhận con nuôi và trẻ em được nhận làm con nuôi, đồng thời giảm tải áp lực cho các cơ quan có thẩm quyền đăng ký việc nuôi con nuôi ở địa phương. Công tác hỗ trợ không chỉ được thực hiện trong quá trình nhận con nuôi mà còn tư vấn, đánh giá điều kiện gia đình, xã hội của người nhận con nuôi và trẻ em được nhận con nuôi trước khi nhận con nuôi và hỗ trợ quá trình hòa nhập của con nuôi với gia đình cha mẹ nuôi, nhằm tránh đổ vỡ trong quan hệ nuôi con nuôi.













Về việc lựa chọn mô hình hỗ trợ, đa số ý kiến cho rằng cần phải có định hướng và cân nhắc kỹ lưỡng trong bối cảnh tinh gọn, tinh giản bộ máy hành chính nhà nước. Khảo sát tại các trung tâm công tác xã hội và trung tâm nuôi dưỡng trẻ em cho thấy, hiện nay đội ngũ nhân viên công tác xã hội có chuyên môn nghiệp vụ có thể đảm đương một phần các hoạt động, nhiệm vụ mà mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ nuôi con nuôi mong muốn hướng tới như hỗ trợ tư vấn, chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho người nhận nuôi và con nuôi, đánh giá hoàn cảnh gia đình của người nhận con nuôi và theo dõi khả năng hòa nhập của con nuôi trong gia đình mới.
Tuy nhiên, hiện nay chưa có cơ chế và chính sách thích hợp để tạo môi trường, mạng lưới để các nhân viên công tác xã hội tham gia vào các hoạt động trong giải quyết việc nuôi con nuôi. Hơn nữa, số lượng các trung tâm công tác xã hội được thành lập theo Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg phê duyệt đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020 còn hạn chế, chỉ có khoảng 30 trung tâm công tác xã hội trên phạm vi toàn quốc. Đội ngũ cộng tác viên công tác xã hội lại chưa được phát triển đồng đều ở các địa phương nơi tiến hành khảo sát.













Đặc biệt, qua khảo sát người nhận con nuôi và con nuôi đã chia sẻ tâm tư, nguyện vọng, những vướng mắc, khó khăn trong quá trình nhận con nuôi, thể hiện mong muốn được nhà nước quan tâm và hỗ trợ nhiều hơn nữa cho các gia đình nhận con nuôi, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được nhận con nuôi. Có thể nói đây là lần đầu tiên, Cục Con nuôi tiếp xúc, lắng nghe ý kiến trực tiếp từ phía người dân nhận con nuôi và con nuôi. Phòng Tư pháp thành phố Uông Bí nhận định đây là một mô hình hay, cần phải được tiếp tục thực hiện tại địa phương trong thời gian tới. Người nhận con nuôi trên địa bàn quận Bình Thạnh cũng sẵn sàng tham gia công tác hỗ trợ việc nuôi con nuôi cho những người dân khác nếu xây dựng được cơ chế và hình thức thực hiện.
Qua hai đợt khảo sát, Cục Con nuôi đã tiếp thu được nhiều ý kiến góp ý cụ thể về mô hình, cách thức thực hiện công tác hỗ trợ việc nuôi con nuôi trong nước; nhận diện được những vướng mắc khó khăn trong quá trình xây dựng và hoàn thiện mô hình, tiến tới tổ chức Tọa đàm lấy ý kiến sâu rộng đối với các cơ quan, đơn vị có liên quan trên toàn quốc về mạng lưới hỗ trợ nuôi con nuôi trong thời gian tới.













Cùng với hoạt động khảo sát, tại các buổi làm việc với Phòng Tư pháp, Đoàn công tác cũng tiếp nhận thông tin, nắm bắt tình hình giải quyết nuôi con nuôi trong nước tại các địa phương nơi tiến hành khảo sát, đồng thời trực tiếp trao đổi, hướng dẫn nghiệp vụ cho đội ngũ công chức tư pháp – hộ tịch cấp xã nhằm tăng cường năng lực chuyên môn cho cán bộ công tác tại địa phương.
Các địa phương nơi tiến hành khảo sát đều ghi nhận và đánh giá cao hiệu quả tại các buổi làm việc của Đoàn công tác, đồng thời bày tỏ mong muốn Cục Con nuôi, Bộ Tư pháp tăng cường tổ chức các hoạt động kiểm tra, tập huấn để nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ công chức tư pháp các cấp, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong việc giải quyết nuôi con nuôi ở địa phương./.

                                                                                                                   Vũ Thanh Vân