Tăng cường phối hợp liên ngành trong quản lý nhà nước về công tác nuôi con nuôi

06/06/2022
Tăng cường phối hợp liên ngành trong quản lý nhà nước về công tác nuôi con nuôi
Năm 2022, “triển khai các hoạt động phối hợp liên ngành nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong công tác rà soát, đánh giá nhu cầu tìm gia đình thay thế của trẻ em, đảm bảo các trẻ em có nhu cầu cần tìm gia đình thay thế được sống trong môi trường gia đình phù hợp” được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm công tác của Cục Con nuôi.
Để thực hiện nhiệm vụ này, trong những tháng đầu năm, Cục Con nuôi đã chủ trì, tổ chức hội nghị liên ngành và phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (Cục Trẻ em, Cục Bảo trợ xã hội), Bộ Nội vụ (Ban Tôn giáo Chính phủ) tổ chức đoàn kiểm tra công tác nuôi con nuôi tại một số địa phương trọng điểm để phối hợp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác giải quyết nuôi con nuôi. Cùng với đó, trong các ngày 17/5/2022 và 03/6/2022, tại trụ sở làm việc của Cục Bảo trợ xã hội, Cục Trẻ em, Lãnh đạo Cục Con nuôi đã có buổi làm việc trực tiếp với Lãnh đạo các đơn vị này về những nội dung có liên quan nhằm trao đổi, đề xuất các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong công tác rà soát, đánh giá nhu cầu tìm gia đình thay thế của trẻ em, đảm bảo các trẻ em có nhu cầu cần tìm gia đình thay thế được sống trong môi trường gia đình phù hợp.




Tại các buổi làm việc nêu trên, Ông Đặng Trần Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Con nuôi đã chia sẻ kết quả tổng kết toàn quốc thi hành Luật Nuôi con nuôi và Công ước La Hay số 33 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế, trong đó, tập trung vào những vấn đề còn tồn tại của việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về nuôi con nuôi và tình hình thi hành Luật Nuôi con nuôi và Công ước La Hay. Cụ thể, trong giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2020, công tác giải quyết nuôi con nuôi đối với những trẻ em sống tại các cơ sở nuôi dưỡng công lập và ngoài công lập còn hạn chế. Chỉ có khoảng 3% trẻ em sống tại các cơ sở trợ giúp xã hội được giải quyết cho làm con nuôi trong nước, trong khi đó việc để trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt phải sống tập trung lâu dài trong điều kiện hạn chế của cơ sở nuôi dưỡng ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện và lâu dài của trẻ em. Sự phối hợp liên ngành trong công tác giải quyết nuôi con nuôi chưa đạt hiệu quả cao. Ở cấp Trung ương, sự phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có việc, có lúc còn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Ở địa phương, sự phối hợp giữa Sở Tư pháp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ở một số địa phương còn hạn chế. Sự thiếu chủ động, tích cực của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ở một số địa phương đã phần nào làm giảm hiệu quả thực thi Luật Nuôi con nuôi và Công ước La Hay. 



Ông Đặng Trần Anh Tuấn cũng thông tin tới Lãnh đạo Cục Bảo trợ xã hội, Cục Trẻ em về ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh về đề nghị của Bộ Tư pháp tại Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tổng kết toàn quốc thi hành Luật Nuôi con nuôi và Công ước La Hay (nêu tại Công văn số 1153/VPCP-PL ngày 23/02/2022 của Văn phòng Chính phủ), trong đó nhấn mạnh nội dung chỉ đạo về việc tăng cường hơn nữa công tác phối hợp giữa Bộ Tư pháp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương nhằm chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn cơ sở nuôi dưỡng thực hiện nghiêm trách nhiệm tìm gia đình thay thế, tránh tình trạng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt phải sống tập trung lâu dài trong các cơ sở nuôi dưỡng. 
Việc nghiên cứu, xây dựng mô hình công tác hỗ trợ nuôi con nuôi (nhằm triển khai thực hiện Quyết định số 23/QĐ-TTg ngày 07/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030) và việc rà soát, đánh giá thực trạng quy định pháp luật về công tác xã hội trong giải quyết nuôi con nuôi tiến tới hoàn thiện thể chế (nhằm triển khai thực hiện Quyết định số 112/QĐ-TTg ngày 22/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021-2030) của Cục Con nuôi trong năm 2022 cũng được Ông Đặng Trần Anh Tuấn thông tin tại các buổi làm việc.



Đại diện Cục Bảo trợ xã hội, Bà Phạm Thị Hải Hà – Phó Cục trưởng đã đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác nuôi con nuôi giai đoạn những năm vừa qua và đặc biệt ghi nhận vai trò của Cục Con nuôi trong việc kết nối, đưa trẻ em về với cộng đồng. Bà Phạm Thị Hải Hà cũng thông tin khái quát về công tác bảo trợ xã hội đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, các cơ sở trợ giúp xã hội được thành lập hợp pháp trên toàn quốc, các cơ sở tôn giáo và việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em tại các cơ sở này. Bà Phạm Thị Hải Hà cho rằng, để tăng cường hiệu quả công tác nuôi con nuôi, trước hết, cần đảm bảo hành lang pháp lý chặt chẽ, bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác truyền thông, tăng cường hướng dẫn nghiệp vụ công tác nuôi con nuôi, chú trọng vai trò của nhân viên công tác xã hội tại các cơ sở trợ giúp xã hội. Và để triển khai thực hiện có hiệu quả ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh nêu tại Công văn số 1153/VPCP-PL, việc xây dựng Kế hoạch với những giải pháp, nhiệm vụ cụ thể của các cơ quan, đơn vị có liên quan là cần thiết. Cục Bảo trợ xã hội sẽ tham gia đóng góp ý kiến đối với dự thảo Kế hoạch do Cục Con nuôi chủ trì xây dựng.

                       (Cục Con nuôi thăm quan Phòng Truyền hình vì Trẻ em tại trụ sở Cục Trẻ em)
  
Tại buổi làm việc với Lãnh đạo Cục Trẻ em, Ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng đã thông tin về kết quả rà soát việc tiếp nhận, quản lý, đánh giá nhu cầu cần tìm gia đình thay thế của trẻ em đang được chăm sóc tại các cơ sở nuôi dưỡng trên toàn quốc và dự kiến việc thanh tra điểm đối với một số cơ sở nuôi dưỡng trong năm 2022. Ông Đặng Hoa Nam cho rằng, việc đánh giá nhu cầu và chuyển đổi các hình thức chăm sóc thay thế đối với trẻ em đã được quy định đầy đủ tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Những bất cập, hạn chế, vướng mắc trong quá trình chuyển đổi hình thức chăm sóc thay thế sang hình thức nuôi con nuôi cần được khảo sát, nghiên cứu kỹ trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Nuôi con nuôi.
Bên cạnh đó, để tăng cường hiệu quả công tác nuôi con nuôi trong thời gian tới, Lãnh đạo Cục Trẻ em đề nghị Cục Con nuôi cần sớm triển khai Quyết định số 23/QĐ-TTg ngày 07/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ và đưa vào hoạt động trên thực tế mô hình hỗ trợ nuôi con nuôi. Lãnh đạo hai bên đã thảo luận và thống nhất việc phối hợp chặt chẽ trong công tác nuôi con nuôi nhằm bảo đảm lợi ích tốt nhất của trẻ, theo đó, việc phối hợp xây dựng và hoàn thiện thể chế cũng như các chính sách liên quan đến công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em sẽ là những vẫn đề được cả hai bên cùng quan tâm thực hiện. Ngoài ra, Cục Trẻ em sẽ cùng tham gia và có những hỗ trợ tích cực đối với Cục Con nuôi trong công tác truyền thông với mục tiêu “đổi mới truyền thông về việc nâng cao nhận thức quyền trẻ em được sống trong môi trường gia đình thông qua các hình thức chăm sóc thay thế, trong đó có nuôi con nuôi”. Trên cơ sở rà soát các quy định của pháp luật liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của các bên và thực tiễn công tác nuôi con nuôi những năm vừa qua, để tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước và hiệu quả công tác thực thi pháp luật trong lĩnh vực này, khắc phục những hạn chế trong công tác phối hợp liên ngành, Lãnh đạo Cục Trẻ em đề nghị Cục Con nuôi cần chủ động xây dựng Kế hoạch phối hợp hành động cụ thể giữa Cục Con nuôi và Cục Trẻ em và Kế hoạch đó sẽ là căn cứ để các bên cùng có trách nhiệm tham gia thực hiện.

                                                                                                                         Trần Thị Ngọc Trâm