Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp làm việc với Vụ Pháp chế, Ủy ban Dân tộc

05/06/2022
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp làm việc với Vụ Pháp chế, Ủy ban Dân tộc
Sáng ngày 02/6/2022, đoàn công tác của Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp do đồng chí Phan Hồng Nguyên, Phó Vụ trưởng, Tổ phó Tổ Thư ký giúp việc Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương làm Trưởng đoàn cùng lãnh đạo, chuyên viên các phòng chuyên môn của Vụ đã có buổi làm việc với Vụ Pháp chế, Ủy ban Dân tộc.
Với mục đích chuẩn bị nội dung phục vụ buổi làm việc chuyên đề giữa Thường trực Hội đồng trung ương với Lãnh đạo Ủy ban Dân tộc - thành viên Hội đồng, buổi làm việc đã tập trung nắm bắt những kết quả, nhận diện những tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), hòa giải ở cơ sở, đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, từ đó đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng hiệu quả công tác PBGDPL và hoạt động của Hội đồng; tăng cường công tác phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Ủy ban Dân tộc về các lĩnh vực công tác này trong thời gian tới.

Đón tiếp và làm việc với đoàn công tác có đồng chí Hoàng Đức Thành, Vụ trưởng Vụ Pháp chế; đồng chí Nguyễn Chí Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và các công chức của Vụ. Tại buổi làm việc, đại diện Vụ Pháp chế, Ủy ban Dân tộc đã trình bày Báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện công tác PBGDPL của Ủy ban Dân tộc trong thời gian qua; đề xuất, kiến nghị và dự kiến các công việc chuẩn bị cho buổi làm việc giữa Thường trực Hội đồng và Lãnh đạo Ủy ban Dân tộc.
Theo Báo cáo, công tác PBGDPL của Ủy ban Dân tộc và các địa phương cho cán bộ, công chức làm công tác dân tộc, người có uy tín và đồng bào dân tộc thiểu số được thực hiện có hệ thống, trọng tâm, trọng điểm, trong đó, ưu tiên vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới. Nội dung PBGDPL thiết thực, gắn với đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, từng bước đáp ứng được yêu cầu thực tế. Hình thức PBGDPL khá đa dạng, căn cứ vào đối tượng, địa bàn như: Phổ biến pháp luật trực tiếp; thi tìm hiểu pháp luật; thông qua các chuyên mục, chương trình trên phương tiện thông tin đại chúng; xây dựng, duy trì hoạt động của 54 mô hình điểm ở xã, 188 mô hình điểm ở các thôn, bản về PBGDPL, vận động đồng bào dân tộc thiểu số chấp hành pháp luật; biên soạn, phát hành tài liệu PBGDPL, trong đó có nhiều tài liệu được dịch ra tiếng dân tộc thiểu số; ký cam kết toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên địa bàn xã; đối thoại chính sách pháp luật với người dân; phổ biến pháp luật trên loa truyền thanh cơ sở; lồng ghép nội dung tuyên truyền pháp luật vào sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, chiếu bóng lưu động, lễ hội truyền thống; thông qua các phương tiện trực quan (pano, ápphích...); PBGDPL trên Cổng Thông tin điện tử “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật” của Ủy ban Dân tộc, Báo Dân tộc và Phát triển, Tạp chí Dân tộc …

Hiện nay các địa phương có 1.137 báo cáo viên cấp tỉnh, 1.752 báo cáo viên cấp huyện và 13.115 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã là người dân tộc thiểu số hoặc biết tiếng dân tộc thiểu số. Trong giai đoạn 2017 - 2021, Ủy ban Dân tộc đã bố trí 41.320.000.000 đồng để triển khai thực hiện nhiệm vụ PBGDPL, tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác PBGDPL đã góp phần nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật của đồng bào dân tộc thiểu số.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Báo cáo đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế như: (i) Hiện chưa tham mưu ban hành được chính sách ưu tiên sử dụng người biết tiếng dân tộc thiểu số, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, già làng, trưởng bản, chức sắc, chức việc trong các tôn giáo ở vùng dân tộc thiểu số tham gia công tác PBGDPL”; (ii) Một số địa phương chưa chủ động, kịp thời, phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong công tác chỉ đạo xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện công tác PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số; (iii) Số lượng và chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác PBGDPL tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao, thiếu đội ngũ báo cáo viên biết tiếng dân tộc thiểu số, có kỹ năng, nghiệp vụ, hiểu biết văn hóa, tập quán sinh hoạt của đồng bào; (iv) Chất lượng, hiệu quả PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số ở một số nơi chưa cao …

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã thảo luận, trao đổi ý kiến về những nội dung trong dự thảo Báo cáo. Đồng chí Trưởng đoàn công tác đã ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của Vụ Pháp chế, Ủy ban Dân tộc, đồng thời có ý kiến để hoàn thiện dự thảo Báo cáo và việc chuẩn bị cho buổi làm việc giữa Thường trực Hội đồng phối hợp PBGDPL trung ương với Lãnh đạo Ủy ban Dân tộc./.
                                                           Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật