Ngày 17/2, Bộ Tư pháp phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (JICA) tổ chức Hội thảo “Trao đổi kinh nghiệm về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Việt Nam và Nhật Bản”. Hội thảo được tổ chức dưới hình thức trực tiếp tại điểm cầu trung tâm tại thành phố Hà Nội kết hợp trực tuyến với điểm cầu tại các bộ, ngành, địa phương, Bộ Tư pháp Nhật Bản và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam.
Đến dự và chủ trì Hội thảo có TS. Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL), Bộ Tư pháp; ông Watanabe Yoshitaka, chuyên gia pháp lý Bộ Tư pháp Nhật Bản, chuyên gia dài hạn của Dự án JICA. Tham dự Hội thảo có đông đảo các đại biểu là các đồng chí đại diện lãnh đạo, chuyên viên các đơn vị thuộc các ban, bộ, cơ quan, tổ chức trung ương; một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp Việt Nam, Bộ Tư pháp Nhật Bản, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam; lãnh đạo, chuyên viên đến từ Sở Tư pháp, Công an, Bộ đội biên phòng, Ban Dân tộc, Hội Nông Dân, Hội phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, đại diện một số Phòng Tư pháp, cán bộ Tư pháp – Hộ tịch… đến từ các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Lào Cai, Nghệ An, Thanh Hóa, Gia Lai. Đặc biệt, Hội thảo còn có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học như ông Dai Murakami, Luật sư của Chính phủ Nhật Bản; PGS.TS. Nguyễn Tất Viễn, nguyên Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp; luật sư Nguyễn Duy Lãm, Chủ nhiệm Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật đã nhấn mạnh mục đích, ý nghĩa của Hội thảo trong việc trao đổi, học hỏi kinh nghiệm triển khai công tác PBGDPL tại Việt Nam cũng như hoạt động phổ biến, cung cấp thông tin pháp luật, giáo dục pháp luật trong nhà trường của Nhật Bản, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang chú trọng nghiên cứu hoàn thiện thể chế về công tác PBGDPL góp phần tăng cường hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
Tại Hội thảo, đồng chí Phan Hồng Nguyên, Phó Vụ trưởng Vụ PBGDPL đã trình bày khái quát về thực trạng triển khai công tác PBGDPLsau 09 năm thực hiện Luật PBGDPL, nhấn mạnh những kết quả đạt được, đồng thời nêu rõ những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trên thực tế đang đặt ra đối với công tác PBGDPL nói chung, việc triển khai thực hiện Luật PBGDPL nói riêng. Chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản, Luật sư Dai Murakami đã giới thiệu mô hình PBGDPL thông qua Trung tâm Hỗ trợ pháp lý Nhật Bản “Ho Terasu” trực thuộc Bộ Tư pháp Nhật Bản. Trung tâm này được thành lập năm 2006, đến nay đã tổ chức hoạt động với 61 văn phòng trải dài trên toàn bộ lãnh thổ Nhật Bản thực hiện cung cấp thông tin pháp luật miễn phí cho người dân. Trung tâm sử dụng nguồn kinh phí nhà nước với đội ngũ là các luật sư làm việc toàn thời gian hoặc các luật sư làm việc theo hợp đồng từng vụ việc. Trong khuôn khổ của Hội thảo, các chuyên gia Nhật Bản cũng đã trao đổi một cách cởi mở về các hoạt động giáo dục pháp luật của Bộ Tư pháp Nhật Bản. Trên cơ sở cải cách hệ thống tư pháp với định hướng “thiết lập nền tảng Quốc dân” cho phép việc tham gia sâu hơn của người dân vào hoạt động tư pháp, Bộ Tư pháp Nhật Bản đã triển khai lựa chọn những vấn đề gần gũi trong cuộc sống hằng ngày, phù hợp với sự phát triển của trẻ em và học sinh để tổ chức các hoạt động giáo dục tại các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, góp phần xây dựng “văn hóa tuân thủ pháp luật” cho người dân tại Nhật Bản.
Kết quả của Hội thảo là nguồn tài liệu thông tin hữu ích cho Việt Nam trong quá trình nghiên cứu đổi mới cách thức tổ chức thực hiện công tác PBGDPL nói riêng, hoàn thiện thể chế về PBGDPL nói chung trong thời gian tới.
Một số hình ảnh của Hội thảo:
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật