Năm 2021 qua đi với nhiều khó khăn tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống, trong đó có cả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Tuy nhiên, trước bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) đã kịp thời có điều chỉnh để nhanh chóng thích ứng với tình hình mới.
Nhiều mô hình mới, hiệu quả
Trong năm 2021, cả nước đã tổ chức 628.972 cuộc tuyên truyền pháp luật trực tiếp, phát miễn phí hơn 68.6 triệu bản tài liệu tuyên truyền, PBGDPL. Hội đồng phối hợp PBGDPL có bước kiện toàn quan trọng theo Quyết định số 21/2021/QĐ-TTg ngày 21/6/2021 quy định về thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng phối hợp PBGDPL, theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã phân công đồng chí Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ là Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương.
Song song với các hình thức PBGDPL truyền thống, các mô hình mới, hiệu quả, nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin tiếp tục được chú trọng, hỗ trợ đắc lực cho việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Như: tổ chức tọa đàm, xây dựng các chuyên mục/chương trình truyền hình - phát thanh, nhất là phổ biến các quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm; về xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19; tổ chức hội nghị, gặp gỡ đối thoại với tổ chức, cá nhân; tăng cường PBGDPL cho đối tượng đặc thù; tổ chức tuyên truyền trên các nền tảng mạng xã hội phổ biến; tổ chức các cuộc thi viết, cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến như Hà Nội, Lai Châu, Khánh Hoà, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Đắk Lắk…
Nhiều địa phương cũng sáng tạo trong công tác tuyên truyền, PBGDPL. Đơn cử Hà Nam đã tổ chức thực hiện tuyên truyền, PBGDPL và tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho người đang chấp hành hình phạt tù tại Trại giam Nam Hà; Tây Ninh thực hiện các chương trình “Thanh niên và Pháp luật”; Hà Nội có mô hình hay tại các trường học, giáo viên xây dựng powerpoint kèm hình ảnh sinh động được tổ chức vào các giờ sinh hoạt đầu tuần qua zoom giúp học sinh hiểu và biết cách phòng chống dịch bệnh, phát động chuỗi hoạt động sự kiện “Vui khoẻ tại nhà – Tránh xa Covid” hay “Cả nhà khoẻ re – Covid quay xe”; Quảng Ninh duy trì mô hình sinh hoạt Câu lạc bộ pháp luật, mô hình an ninh cơ sở, an ninh tự quản…
Hay như Khánh Hoà có Kênh Youtube “Pháp luật đến mọi người” và Trang Facebook “Pháp luật đến mọi người”; Hà Nội đẩy mạnh việc thông tin tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh qua Zalo, Facebook, nhân rộng mô hình “Cầu thang pháp luật”; Hậu Giang có kênh Zalo và Facebook “PBGDPL tỉnh Hậu Giang”…
Đặc biệt, lần đầu tiên Chương trình tôn vinh “Gương sáng Pháp luật” do Bộ Tư pháp phối hợp với Báo Pháp luật Việt Nam được tổ chức nhằm biểu dương, tôn vinh các cá nhân tiêu biểu trong việc xây dựng và thi hành pháp luật, qua đó lan tỏa những hình ảnh tốt đẹp, những tấm gương anh dũng, đức hy sinh của nhân dân và cán bộ, công chức trong sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; nâng cao hiệu quả tuyên truyền pháp luật, lan toả tinh thần thượng tôn pháp luật, sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.
Những nhân vật trong hơn 200 bài viết “Gương sáng Pháp luật” là những cá nhân đạt được các thành tích xuất sắc, tiêu biểu, đã được ghi nhận và trao tặng các danh hiệu cao quý của các cơ quan có thẩm quyền về những thành tích trong xây dựng, tổ chức, thi hành pháp luật; là những người truyền cảm hứng, lan tỏa trong xã hội về tinh thần thượng tôn pháp luật, sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Hội đồng bình chọn đã khách quan, công tâm để lựa chọn 50 cá nhân tiêu biểu nhất để tôn vinh tại Chương trình được tổ chức trang trọng, ý nghĩa tại Thủ đô Hà Nội vào ngày 08 tháng 11 năm 2021.
Về công tác hòa giải ở cơ sở, đã tiếp tục góp phần quan trọng trong giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp, xây dựng sự đoàn kết trong cộng đồng dân cư; giúp ổn định an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội ngay từ cơ sở, xây dựng sự đoàn kết trong nội bộ nhân dân. Trong năm, các Hòa giải viên đã tiếp nhận 94.463 vụ việc, với tỷ lệ hòa giải thành trung bình là 80.23%; một số địa phương có tỷ lệ hoà giải thành rất cao (như: Long An - 94%; An Giang - 94%; Vĩnh Long - 94%; Đà Nẵng - 92%; Hậu Giang - 92%; Kon Tum - 92%; Bến Tre - 92,6%...).
Bộ Tư pháp đã xây dựng các Tài liệu mẫu đăng tải trên Trang Thông tin PBGDPL dưới dạng các chuyên đề trình bày dạng Powerpoint sinh động, hấp dẫn và bài giảng điện tử giới thiệu các phương pháp tập huấn tích cực, hiện đại; xây dựng và phát hành tài liệu phổ biến kiến thức pháp luật cho hòa giải viên ở cơ sở; xây dựng bài giảng hướng dẫn kỹ năng hòa giải các vụ việc về hôn nhân và gia đình; xây dựng số chuyên đề “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở”.
Nhìn chung, các cơ quan, đơn vị từ Trung ương đến cấp cơ sở đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo công tác hòa giải ở cơ sở; đồng thời đề ra các nhiệm vụ và giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn. Hoạt động hòa giải ở cơ sở tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, tỷ lệ hòa giải thành cả nước duy trì trên 80%.
Có sức lan toả mạnh mẽ
Năm 2021, toàn ngành Tư pháp đã phối hợp cùng hệ thống chính trị cả nước đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bầu cử để phục vụ cho sự kiện chính trị, pháp lý quan trọng - bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026. Trong đó, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với Văn phòng Quốc hội và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thành công Cuộc thi trực tuyến với tên gọi “Tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân”.
Lễ Phát động cuộc thi trực tuyến Tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân
Cuộc thi đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của mọi tầng lớp Nhân dân trên cả nước. Sau 30 ngày tổ chức (từ 01/4/2021 đến ngày 30/4/2021), đã có gần 04 triệu lượt truy cập vào trang thông tin điện tử của Cuộc thi, hơn 643.000 người đăng ký dự thi với hơn 801.000 lượt thi. Số lượng thí sinh trả lời đúng 19 câu hỏi trắc nghiệm của Ban Tổ chức là 25.684 người (chiếm 4% số người tham gia) với 32.034 lượt trả lời chính xác (chiếm 4% số lượt thi).
Ban Tổ chức cũng đã tặng Bằng khen cho 07 tập thể và 02 cá nhân có thành tích xuất sắc trong tổ chức Cuộc thi, trong đó có 06 địa phương có số lượng người dự thi đông nhất là: TP Hà Nội, Hồ Chí Minh; các tỉnh: Bắc Giang, Nghệ An, Ninh Bình, Lào Cai. Cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân” được tổng kết bằng văn bản (đã trao giấy chứng nhận, giải thưởng, giấy khen, kỷ niệm chương cho thí sinh, các địa phương có thành tích xuất sắc).
Cuộc thi này được đánh giá là một điểm nhấn quan trọng trong đợt cao điểm PBGDPL, có sức lan toả mạnh mẽ về mục đích, ý nghĩa của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, tuyên truyền, phổ biến có hiệu quả pháp luật về bầu cử trong các tầng lớp Nhân dân trên cả nước và người Việt Nam ở nước ngoài. Việc tổ chức Cuộc thi đã tạo ra một đợt sinh hoạt chính trị pháp lý quan trọng nhằm phổ biến, nâng cao hiểu biết về pháp luật, mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử, góp phần tích cực vào sự thành công của sự kiện chính trị pháp lý quan trọng này.
Bên cạnh đó, những vấn đề dư luận quan tâm, những vấn đề là điểm nóng về pháp lý mà người dân, doanh nghiệp quan tâm trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật là nhiệm vụ quan trọng cần phải triển khai thực hiện nhằm gia tăng trách nhiệm giải trình của cơ quan chủ trì soạn thảo về chính sách, nội dung pháp luật trước người dân, xã hội, đặc biệt là các đối tượng chịu sự tác động của chính sách; đồng thời để đảm bảo các chính sách pháp luật nhận được sự đồng thuận của người dân, xã hội ngay từ khi bắt đầu triển khai chương trình xây dựng chính sách đến quá trình triển khai thực hiện.
Một số dự thảo văn bản có nội dung chính sách quan trọng đã được cơ quan chủ trì soạn thảo tổ chức truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông định hướng, dẫn dắt dự thảo chính sách, giải quyết kịp thời những vấn đề cấp bách được đông đảo người dân, dư luận xã hội quan tâm, góp phần tạo đồng thuận trong xã hội, đồng thời nâng cao chất lượng, tính khả thi của văn bản.
Khi có được sự đồng thuận của người dân, xã hội thì chắc chắn các nội dung chính sách và quy định của pháp luật sẽ đi vào cuộc sống, bảo đảm tính khả thi, hướng tới việc bảo đảm quyền và lợi ích của người dân, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Vì thế, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp nhiệm vụ xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Đề án với tên gọi “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 – 2027”. Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Tư pháp đã xây dựng nội dung dự thảo Đề án với sự đóng góp ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học, các cơ quan truyền thông báo chí… Đến nay dự thảo Đề án đã và đang được lấy ý kiến rộng rãi ở các Bộ, ngành, địa phương.
Có thể nói, việc tuyên truyền, PBGDPL đã mang lại hiệu quả thiết thực, tạo bước chuyển rõ nét về nhận thức và hành động của nhân dân trong quá trình thực thi các chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước. Thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, phổ biến những nội dung pháp luật mới ban hành hoặc có hiệu lực năm 2022; các chính sách, quy định pháp luật mà dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận gắn với các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh.
Nguồn: Báo điện tử Pháp luật Việt Nam