Một trong những “dấu ấn” quan trọng của Bộ Tư pháp, ngành Tư pháp trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam chính là Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp mà Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế được giao chủ trì và công tác tham mưu, góp ý, thẩm định chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc pháp lý do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế Nguyễn Chi Lan đã có một số chia sẻ xung quanh những vấn đề này.
Giúp doanh nghiệp tự giải quyết một số vấn đề trong sản xuất, kinh doanh
Bà Chi Lan cho biết, nhu cầu về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp (HTPLDN) nhỏ và vừa ngày càng cao, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi mà người dân và doanh nghiệp đều chịu sự tác động mạnh mẽ của đại dịch COVID-19.
Một trong những mục tiêu cơ bản của công tác HTPLDN là xác lập, tăng cường và nâng cao kiến thức pháp luật cho các doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có điều kiện và khả năng có thể tự giải quyết một số vấn đề pháp lý phát sinh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình. Mục tiêu này chỉ có thể đạt được thông qua việc tiến hành một cách đồng bộ, có hệ thống và liên tục các giải pháp HTPLDN.
Qua 10 năm triển khai hoạt động, Chương trình HTPLDN nhỏ và vừa nhận được sự đánh giá cao từ cộng đồng doanh nghiệp và lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trên cả nước. Do đó, để nối tiếp và phát huy hơn nữa những thành tựu mà Chương trình đạt được trong 10 năm qua (giai đoạn 2010-2020), trong thời gian tới, trước mắt là giai đoạn 2021-2025 (định hướng đến năm 2030), Vụ sẽ tham mưu Lãnh đạo Bộ tập trung các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Chương trình.
Cụ thể như: Tuyên truyền, phổ biến và thông tin rộng rãi Chương trình tới cộng đồng doanh nghiệp; xây dựng thương hiệu nhận diện của Chương trình, trong đó Trang thông tin HTPLDN trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp được nâng cấp mạnh mẽ giai đoạn 2021-2025; Gắn kết các hoạt động của Chương trình với hoạt động HTPLDN của ngành Tư pháp, Bộ Tư pháp và với các bộ, ngành, địa phương;
Đồng thời, đổi mới, nâng cao hiệu quả các hình thức, phương pháp hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, kết hợp các phương thức truyền thống với các phương thức hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin và thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phù hợp với từng nội dung, từng đối tượng, từng vùng miền. Phát huy hiệu quả của mạng lưới tư vấn viên trên cả nước nhằm kết nối hoạt động của Chương trình không chỉ với cộng đồng doanh nghiệp mà còn kết nối với đội ngũ luật sư, công chứng viên, đấu giá viên trên phạm vi cả nước.
Kết hợp việc xây dựng và nhân rộng mô hình trên phạm vi cả nước và tất cả các bộ, ngành; kịp thời biểu dương, khuyến khích các mô hình điển hình tiêu biểu trong công tác HTPLDN. Từng bước xã hội hóa công tác HTPLDN để đảm bảo tính bền vững của các hoạt động. Khuyến khích sự đóng góp nguồn lực của các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, các doanh nghiệp để thực hiện các hoạt động của Chương trình cũng như huy động các nguồn tài trợ từ các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế.
Cùng các cơ quan xử lý nhiều vấn đề mới trong bối cảnh dịch bệnh
Hiện nay, vấn đề mà người dân, doanh nghiệp đang quan tâm từ phía Chính phủ, Nhà nước là công tác tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc pháp lý do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 để chúng ta có thể đạt được mục tiêu kép và phục hồi sau đại dịch.
Trong quá trình này, theo bà Chi Lan, Vụ đã tích cực, khẩn trương, chủ động tham mưu có hiệu quả, thiết thực và chất lượng cho Lãnh đạo Bộ để Lãnh đạo Bộ tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, ngành, địa phương xử lý nhiều vấn đề pháp lý phát sinh mới, yêu cầu phải có giải pháp đồng bộ, phù hợp, kịp thời, tập trung vào 5 nhóm vấn đề: Một số vấn đề cần ưu tiên xử lý ngay, bảo đảm an sinh xã hội; Một số vấn đề về bảo đảm trật tự an toàn xã hội; Một số vấn đề về thúc đẩy đầu tư công; Một số vấn đề về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cản trở cho sản xuất kinh doanh; và Một số vấn đề về thi hành pháp luật hiệu quả, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng hoạt động tư pháp, HTPLDN và một số vấn đề liên quan hậu COVID-19.
Trong đó, có thể kể đến Báo cáo của Bộ Tư pháp về rà soát quy định pháp luật gây cản trở, vướng mắc, khó khăn cho sản xuất kinh doanh để kịp thời ứng phó và giảm thiểu tác động của dịch COVID-19 đến nền kinh tế. Báo cáo này đã đề xuất 3 nhóm giải pháp cụ thể, gồm: giải pháp thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và bộ, ngành, địa phương; giải pháp thuộc thẩm quyền của Quốc hội; giải pháp thực thi và một số vấn đề liên quan.
Kết quả của Báo cáo đã được Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và các bộ, ngành đánh giá cao, góp phần đáng kể vào việc thực hiện thành công mục tiêu kép của Đảng và Nhà nước. Trên cơ sở Báo cáo này, được sự đồng ý của Lãnh đạo Chính phủ, Bộ Tư pháp đã chỉnh lý và có Báo cáo gửi các bộ, ngành, địa phương để các cơ quan tham khảo, qua đó góp phần xử lý hiệu quả, đồng bộ các vướng mắc, khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến kinh tế-xã hội của đất nước.
Đối với các vấn đề cụ thể, trong thời gian qua (2020-2021), Vụ đã phản ứng rất nhanh, có chất lượng để cùng các cơ quan liên quan xử lý, đề xuất kịp thời trong bối cảnh COVID-19. Ví dụ, Vụ đã tập trung mọi nguồn lực (dù trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội) để chỉ trong thời gian ngắn nhất, nhanh nhất, thậm chí chỉ trong vòng 01 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ thẩm định là đã có Báo cáo thẩm định đối với các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đại dịch COVID-19.
Các ý kiến góp ý, thẩm định của Vụ tham mưu Lãnh đạo Bộ Tư pháp đều hướng đến hoàn thiện các giải pháp pháp lý trước mắt và lâu dài; đồng bộ và khả thi, trong đó, tập trung giải quyết các điểm nghẽn, bất cập, khắc phục, tháo gỡ khó khăn về sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thông thoáng, đơn giản hóa thủ tục hành chính… nhằm giảm thiểu tác động của dịch bệnh, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, đặc biệt người lao động, người nghèo, người yếu thế vượt qua khó khăn, thách thức của đại dịch COVID-19, tận dụng thời cơ để sớm phục hồi và đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội, sinh kế, việc làm của người dân.
Đồng thời, các đề xuất của Bộ Tư pháp còn hướng đến xây dựng các chính sách đặc biệt, tận dụng cơ hội, nâng cao năng lực nội tại và sức cạnh tranh, khả năng chống chịu và tính tự chủ của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian hậu đại dịch COVID-19.
Thành Công