Đào tạo nghề luật sư theo hình thức kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp - cơ hội và thách thức

16/08/2021
Đào tạo nghề luật sư theo hình thức kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp - cơ hội và thách thức
Ngày 12/8, Học viện Tư pháp đã tổ chức Hội nghị khoa học “Đào tạo nghề luật sư theo hình thức kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp - cơ hội và thách thức”. PGS.TS. Nguyễn Minh Hằng - Phó giám đốc Học viện Tư pháp, Trưởng Khoa Đào tạo Luật sư chủ trì Hội thảo. Dự Hội thảo tại trụ sở Học viện Tư pháp còn có TS. Vũ Thị Hòa - Phó trưởng Khoa Đào tạo Luật sư và TS. Ngô Thị Ngọc Vân - Phó trưởng Khoa Đào tạo Luật sư. Các đại biểu dự Hội thảo qua phần mềm trực tuyến.
Trong bối cảnh các đợt dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên thế giới từ đầu năm 2019, Việt Nam cũng chịu những ảnh hưởng nặng nề trong mọi lĩnh vực, để duy trì hoạt động và đảm bảo kế hoạch giảng dạy học tập,   Học viện Tư pháp đã tổ chức các buổi giảng trực tuyến theo Quyết định số 1000/QĐ-BTP ngày 5/5/2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt chủ trương tổ chức thí điểm đào tạo, bồi dưỡng tập trung kết hợp với từ xa theo phương thức trực tuyến tại Học viện Tư pháp.
Ngày 02/7/2020, Giám đốc Học viện Tư pháp đã Quyết định ban hành Chương trình chi tiết đào tạo nghề luật sư theo hệ thống tín chỉ và Chương trình đào tạo nghề luật sư chất lượng cao kết hợp đào tạo tập trung với từ xa theo phương thức trực tuyến. Quyết định này nhằm đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học, phát huy ưu điểm của từng  hình thức tổ chức dạy học về đào tạo tập trung, đào tạo từ xa theo phương thức trực tuyến; đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và triển khai các  chương trình đào tạo nghề luật sư đạt hiệu quả trong điều kiện bất khả kháng.
Trong tham luận tại Hôi nghị, TS.Ngô Thị Ngọc Vân - Phó trưởng Khoa Đào tạo Luật sư đánh giá toàn diện cơ hội, thách thức của việc đào tạo nghề luật sư theo hình thức kết hợp đào tạo tập trung với từ xa theo phương thức trực tuyến. Đào tạo trực tuyến là một loại hình đào tạo mang lại nhiều hiệu quả với ưu điểm nổi bật là học viên có thể truy cập vào các bài giảng mọi lúc, mọi nơi, các hoạt động học trở nên linh hoạt hơn không chỉ giới hạn ở bên trong không gian khuôn viên nhà trường hay trong khung thời gian giờ hành chính. Tuy nhiên, hình thức kết hợp đào tạo tập trung với từ xa theo phương thức trực tuyến cũng có một số khó khăn như: học viên không tự chủ trong học tập, điều kiện về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin chưa đáp ứng yêu cầu, tài liệu số hóa chưa phù hợp với phương pháp giảng dạy trực tuyến, kỹ năng công nghệ thông tin của giảng viên và học viên không đồng đều.
TS. Nguyễn Thanh Mai – Trưởng Bộ môn kỹ năng tham gia giải quyết các vụ án hình sự, Khoa Đào tạo Luật sư chia sẻ thực trạng triển khai phương pháp đào tạo nghề luật sư kết hợp trực tiếp và từ xa theo phương thức trực tuyến tại Học viện Tư pháp, trong đó nhấn mạnh nếu biết cách khai thác thì mô hình đào  tạo này sẽ có nhiều kết quả tích cực.
Các đại biểu dự Hội nghị phát biểu ý kiến, chia sẻ khó khăn, đề xuất nhiều giải pháp có giá trị, khả thi được đúc rút trong quá trình giảng dạy trực tuyến các chương trình đào tạo nghề Luật sư tại Học viện Tư pháp, nhất trí cần phải tiếp tục phát huy ứng dụng công nghệ thông tin và khai thác tối đa các tính năng tiện lợi của phần mềm học trực tuyến để phương pháp đào tạo nghề luật sư kết hợp trực tiếp và từ xa theo phương thức trực tuyến thu được kết quả tích cực. Nhiều ý kiến đề xuất, trong tương lai cần xây dựng chương trình riêng về đào tạo trực tuyến để phát huy những ưu điểm nổi bật của phương thức đào tạo này.
Thay mặt Đảng ủy, Ban giám đốc Học viện Tư pháp, thay mặt Ban tổ chức Hội nghị, PGS.TS.Nguyễn Minh Hằng - Phó giám đốc Học viện cho biết Học viện Tư pháp sẽ tổng kết ưu điểm, nhược điểm của từng hình thức đào tạo, từ đó đúc kết, chuẩn hóa, đa dạng hóa các chương trình đào tạo, phương pháp đào tạo với đặc thù của từng chương trình. PGS.TS.Nguyễn Minh Hằng tin tưởng với sự chung tay đồng hành của các thầy, các cô, các quý vị đại biểu, cùng với quyết tâm chính trị của toàn thể Đảng ủy, Ban giám đốc, viên chức, người lao động của nhà trường, Học viện Tư pháp sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức để hướng đến thực hiện thành công mục tiêu trọng tâm nâng cao chất lượng đào tạo nghề luật sư nói riêng và đào tạo các chức danh tư pháp nói chung tại Học viện Tư pháp trong cơ chế tự chủ tài chính của cơ sở giáo dục công lập.