Trong khuôn khổ hợp tác với Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam và Chính phủ Thụy Điển, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội thảo “Xây dựng lộ trình thúc đẩy hành vi kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam” tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh trong hai ngày 26 – 27/11/2020. Ông Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp chủ trì hội thảo.
Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia quốc tế (trực tuyến), đại diện UNDP Việt Nam, đại diện đến từ các Bộ, ngành như Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước…, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, các chuyên gia, nhà khoa học đến từ trường Đại học Luật Hà Nội, Đại học Ngoại thương,.. cùng một số Sở, ngành ở các tỉnh lân cận.
Đây là hoạt động tiếp nối thành công của Hội thảo tham vấn “Thúc đẩy hành vi kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam” đã diễn ra tại Hà Nội ngày 21/10/2020. Mục tiêu của Hội thảo là định hướng lộ trình xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về thúc đẩy hành vi kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam.
Sau bài phát biểu khai mạc của ông Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp và bà Harpreet Kaur, Chuyên gia của UNDP về Kinh doanh và Quyền con người, ông Livio Sarandrea, chuyên gia tư vấn của UNDP về Kinh doanh và Quyền con người khu vực châu Á Thái Bình Dương đã có bài trình bày về một số kinh nghiệm quốc tế về xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về thực hành kinh doanh có trách nhiệm ở ASEAN bao gồm Thái Lan và lộ trình của Indonesia. Tiếp đó, các chuyên gia Việt Nam gồm ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; ông Nguyễn Hưng Quang, Giám đốc Công ty Luật NH Quang&Associates và bà Nguyễn Thị Thanh Hải, Giảng viên Học viện Chính trị - quốc gia Hồ Chí Minh cũng đóng góp ý kiến, đưa ra các đề xuất, kiến nghị nhằm xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về thực hành kinh doanh có trách nhiệm ở Việt Nam.
Trong ngày làm việc thứ hai, hội thảo có sự tham gia của ông Surya Deva, thành viên nhóm làm việc của LHQ về Kinh doanh và Quyền con người giới thiệu về sự phát triển và nội dung của Kế hoạch hành động quốc gia và lộ trình về thực hành kinh doanh có trách nhiệm và bà Nareeluc Pairchaiyapoom, Trưởng phòng nhân quyền quốc tế, Vụ Bảo vệ quyền và tự do, Bộ Tư pháp Thái Lan chia sẻ kinh nghiệm về Lộ trình và Kế hoạch hành động quốc gia của Thái Lan về thực hành kinh doanh có trách nhiệm.
Sau khi nghe các bài tham luận, các đại biểu đã sôi nổi thảo luận, đưa ra các kiến nghị về xây dựng lộ trình và Kế hoạch hành động quốc gia nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam. Các đại biểu cho rằng, tuy khái niệm về “hành vi kinh doanh có trách nhiệm” còn mới mẻ với nhiều cán bộ, công chức, doanh nghiệp song là một vấn đề quan trọng cho sự phát triển bền vững của Việt Nam. Do đó, về cơ bản, các đại biểu thống nhất quan điểm cần phải xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia, trong đó đưa ra lộ trình cụ thể của việc thực hiện, tập trung ưu tiên thúc đẩy hành vi kinh doanh có trách nhiệm ở một số lĩnh vực cụ thể và đưa ra các tiêu chí định lượng cho việc đánh giá quá trình thực hiện kế hoạch song song với việc tập huấn, đào tạo, nâng cao nhận thức, mức độ hiểu biết về nội dung “kinh doanh có trách nhiệm” cho cán bộ, công chức nhà nước cũng như cộng đồng doanh nghiệp. Các đại biểu cũng cho rằng, để tiến tới Kế hoạch hành động quốc gia thì Bộ Tư pháp cần phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng Đề án trình Thủ tướng Chính phủ về thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam
Kết thúc hội thảo, ông Nguyễn Thanh Tú đánh giá cao ý kiến của các đại biểu và cho rằng, trong thời gian tới, Bộ Tư pháp cần phải thực hiện các công việc để tiến tới trình cấp có thẩm quyền Đề án về thúc đẩy hành vi kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam trong 2 - 3 năm tới, như: xây dựng báo cáo quốc gia đánh giá thực trạng về hành vi kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam, xây dựng báo cáo kinh nghiệm quốc tế về xây dựng lộ trình thúc đẩy hành vi kinh doanh có trách nhiệm, tổ chức các Hội thảo, Tọa đàm nhằm nâng cao nhận thức của các cán bộ, công chức, doanh nghiệp về thực hành kinh doanh có trách nhiệm… Do đó, sự phối hợp của các Bộ, ngành, địa phương có liên quan cũng như sự hỗ trợ từ phía UNDP là vô cùng cần thiết để giúp Bộ Tư pháp hoàn thành nhiệm vụ quan trọng này./.
Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp