Thứ trưởng thường trực Hoàng Thế Liên tiếp đoàn chuyên gia Pháp về vấn đề con nuôi quốc tế

09/01/2008
Thứ trưởng thường trực Hoàng Thế Liên tiếp đoàn chuyên gia Pháp về vấn đề con nuôi quốc tế
Ngày 9/1, Thứ trưởng thường trực Hoàng Thế Liên đã tiếp đoàn chuyên gia Pháp sang làm việc trong khuôn khổ kiểm tra định kỳ về vấn đề con nuôi quốc tế của Pháp. Ông Jean-Marie Colombani – trưởng đoàn nhấn mạnh, vấn đề con nuôi quốc tế giữa hai nước rất quan trọng nhất là khi Pháp là quốc gia đầu tiên có quan hệ về con nuôi với Việt Nam. Về phía Việt Nam có Cục trưởng Cục Con nuôi quốc tế Vũ Đức Long, các chuyên viên của Cục Con nuôi quốc tế và Vụ Hợp tác quốc tế đã tham dự buổi tiếp.

Thứ trưởng Hoàng Thế Liên nhận xét, nhìn chung, vấn đề con nuôi quốc tế giữa Pháp và Việt Nam diễn ra tốt. Trước khi hai nước có hiệp định song phương về vấn đề này, nhận thấy nhu cầu của Pháp trong việc xin con nuôi Việt Nam là rất lớn nên Việt Nam và Pháp đã rất quan tâm để tăng cường sự hợp tác giữa hai nước về vấn đề con nuôi. Trong buổi đến thăm Bộ Tư pháp, phu nhân cựu Tổng thống Pháp J.Chirac cũng đã đề cập đến vấn đề này. Sau khi ký hiệp định, 7 văn phòng xin con nuôi của Pháp đã hoạt động tại VIệt Nam. Đến nay, các văn phòng đều đã hoạt động tốt, tuân thủ đúng pháp luật của Việt Nam. Mặc dù nhu cầu xin trẻ em Việt Nam làm con người của các gia đình Pháp là rất lớn song thực tế lại chưa có nhiều trẻ em Việt Nam đáp ứng các yêu cầu của những gia đình Pháp muốn nhận con nuôi. Vì thế, số lượng đơn yêu cầu được nhận con nuôi là trẻ em Việt Nam của các gia đình Pháp được giải quyết còn ít.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, Việt Nam luôn quan tâm đến việc đảm bảo tính nhân đạo của việc cho nhận con nuôi. Hiện Việt Nam đnag xây dựng Luật Con nuôi, khẳng định tầm quan trọng của vấn đề. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng thừa nhận, hiện nhiều thiết chế, qui định của pháp luật Việt Nam chưa tiếp cận được các qui định của quốc tế về vấn đề con nuôi. Do đó, Việt Nam mong muốn được tăng cường hợp tác và nhận được các ý kiến đóng góp của các chuyên gia Pháp để hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng như thiết chế về vấn đề này.

Trả lời câu hỏi của ông Jean-Marie Colombani  về các dấu hiệu của cuộc cải cách trong vấn đề cho nhận con nuôi, Thứ trưởng Hoàng Thế Liên cho biết, dự luật con nuôi mà Việt Nam đang xây dựng sẽ bao gồm các qui định về cả vấn đề cho nhận con nuôi trong nước và nước ngoài, tuân thủ các nguyên tắc của Công ước La Haye về vấn đề này, trong đó đảm bảo trình tự: tìm mái ấm cho trẻ ở trong nước trước khi tìm mái ấm cho trẻ ở nước ngoài. Hiện có hai cơ quan quản lý về vấn đề cho nhận con nuôi ở Việt Nam. Do đó, sắp tới, Việt Nam sẽ thành lập một cơ quan trung ương quản lý về vấn đề cho nhận con nuôi để đảm bảo tính thống nhất trong hoạt động này. Một khó khăn đối với hoạt động cho nhận con nuôi ở Việt Nam là việc pháp luật Việt Nam không qui định trẻ được nhận nuôi phải cắt đứt quan hệ với bố mẹ đẻ như pháp luật của nhiều nước, trong đó có Pháp. Hơn nữa, hiện nhiều tổ chức nhận con nuôi nước ngoài hoạt động tại Việt Nam thường viện trợ trực tiếp cho các trung tâm bảo trợ xã hội, thậm chí đến gặp trực tiếp những người muốn cho con đi làm con nuôi để vận động… Điều đó tác động tiêu cực đến việc quản lý và thực hiện hoạt động cho nhận con nuôi. Vì thế, theo Thứ trưởng, để hoạt động cho nhận con nuôi giữa Việt Nam và Pháp được thực hiện thuận lợi, Việt Nam sẽ nhanh chóng cải cách công tác quản lý cũng như giải quyết dứt điểm tình trạng này, tránh nhưng hiểu nhầm trong quá trình cho nhận con nuôi.

Ngoài ra, hiện Việt Nam đang tiến hành kiểm tra liên ngành đối với các tổ chức nhận con nuôi nước ngoài hoạt động ở Việt Nam cũng như các trung tâm bảo trợ xã hội đối với trẻ em để đảm bảo không để xảy ra các hoạt động tiêu cực trong hoạt động cho nhận con nuôi ở Việt Nam.

Từ 2001 – 2006, Pháp luôn là quốc gia dẫn đầu trong việc nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi. Tuy nhiên, năm 2007, Việt Nam chỉ giải quyết 300 trường hợp trẻ em Việt Nam làm con nuôi các gia đình Pháp, trong đó có gần 1.000 trẻ em được giải quyết làm con nuôi các gia đình Mỹ. Việt Nam cũng chưa có qui định về số lượng trẻ em được giới thiệu cho từng tổ chức nhận con nuôi.

Dự kiến, trong năm 2008, Pháp và Việt Nam sẽ có cuộc gặp về vấn đề cho nhận con nuôi tại Hà Nội để cùng bàn luận những biện pháp nhằm thúc đẩy và tăng cường hợp tác giữa hai quốc gia trong lĩnh vực này./.

H.Giang