Nếu Đề án được thông qua, sẽ có một cuộc tổng rà soát quy mô lớn nhất từ trước đến nay nhằm hệ thống hóa, pháp điển hóa các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) Việt Nam. Đó là thông tin được khẳng định tại buổi làm việc sáng ngày 2/1 giữa Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng và Cục Kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật về kế hoạch xây dựng đề án Tổng rà soát, hệ thống hóa, pháp điển hóa các VBQPPL Việt Nam giai đoạn 1976 - 2008.
Theo bà Mạc Thị Hoa, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL, để thực hiện Kế hoạch của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết 48-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, Bộ Tư pháp đang tiến hành các bước cần thiết để xây dựng Đề án Tổng rà soát, hệ thống hóa, pháp điển hóa các VBQPPL giai đoạn 1976 - 2008. Đợt tổng rà soát, hệ thống hóa VBQPPL lần này dự kiến được tiến hành trong 2 năm (2009 - 2010), tiến hành trên phạm vi toàn quốc, ở tất cả các lĩnh vực, các cấp (từ trung ương đến địa phương), nhằm loại bỏ những quy định, những VBQPPL trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực, không còn phù hợp với thực tiễn. Bộ Tư pháp cũng mong muốn qua rà soát sẽ phát hiện những lĩnh vực cần phải có quy định điều chỉnh nhưng chưa có văn bản nào quy định để trình cơ quan có thẩm quyền ban hành, đồng thời, pháp điển hóa văn bản ở một số lĩnh vực, góp phần xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam.
Ông Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL cũng cho biết, rút kinh nghiệm từ các đợt rà soát trước, lần này sẽ cắt lớp làm theo từng đợt, chẳng hạn, ở trung ương, sau khi rà soát, công bố còn hiệu lực, hết hiệu lực các văn bản QPPL của Quốc hội, thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành làm đến các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, rồi đến văn bản của Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ... Tương tự, tại các địa phương, sau khi tiến hành rà soát, xử lý các VBQPPL của HĐND, UBND cấp tỉnh sẽ làm đến cấp huyện và cấp xã. Sau mỗi đợt rà soát, Bộ Tư pháp sẽ cho xuất bản các tuyển tập hệ thống hóa VBQPPL trên tất cả các lĩnh vực, gồm tuyển tập các VBQPL của từng ngành ở trung ương (gồm các văn bản từ luật đến các văn bản do Bộ trưởng ban hành về lĩnh vực đó ), tuyển tập các văn bản từng địa phương ( cấp tỉnh, huyện, xã ) được phân chia theo từng lĩnh vực. Ông Sơn nhận định, làm theo cách này sẽ khoa học và hiệu quả hơn những cách làm đã từng được áp dụng trước đây.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng yêu cầu Cục Kiểm tra VBQPPL chủ trì, phối hợp với các đơn vị khác thuộc Bộ khẩn trương xây dựng Đề án, đồng thời giúp Bộ trưởng tổ chức lấy ý kiến các Bộ, ngành và một số địa phương về các nội dung cụ thể của Đề án này. Thứ trưởng Đinh Trung Tụng cũng đồng ý với đề xuất của Cục Kiểm tra VBQPPL về việc đưa nội dung rà soát các VBQPPL liên quan đến các Điều ước quốc tế và quá trình hội nhập của Việt Nam vào phạm vi Đề án. Để tạo tiền đề cho việc triển khai Đề án, ngay trong năm 2008, Bộ Tư pháp sẽ tổ chức thực hiện thí điểm việc rà soát, hệ thống hóa, pháp điển hóa VBQPPL tại một số Bộ, ngành, địa phương. Do đó, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng yêu cầu Cục Kiểm tra VBQPPL khẩn trương hướng dẫn cụ thể những nơi sẽ tiến hành thí điểm, đồng thời phải thực hiện tốt việc triển khai Đề án rà soát các văn bản thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Tư pháp trong năm 2008.
Hồng Thúy