Hội nghị tập huấn pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm tại tỉnh Hải Dương

20/10/2020
Hội nghị tập huấn pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm tại tỉnh Hải Dương
Ngày 17 tháng 10 năm 2020, Sở Tư pháp tỉnh Hải Dương đã phối hợp với Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị tập huấn pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm. Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm có 02 báo cáo viên là bà Nguyễn Thị Thu Hằng - Phó Cục trưởng và ông Nguyễn Việt Phương - Chuyên viên Phòng Quản lý nghiệp vụ.
 

 
Hội nghị do ông Ngô Quang Giáp - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hải Dương chủ trì với sự tham dự của hơn 300 đại biểu đại diện cho một số cơ quan: Uỷ ban nhân dân tỉnh Hải Dương, Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục Thi hành án dân sự, Ngân hàng nhà nước chi nhánh tỉnh Hải Dương, cán bộ thực hiện công tác đăng ký biện pháp bảo đảm tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Uỷ ban nhân cấp huyện, thị xã, các tổ chức hành nghề công chứng, các tổ chức tín dụng,... trên địa bàn tỉnh.

            


Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Ngô Quang Giáp cho biết, công tác đăng ký biện pháp bảo đảm đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Vì vậy, để đảm bảo thực hiện thống nhất các quy định của pháp luật trong công tác này, Sở Tư pháp đã phối hợp với Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm tổ chức Hội nghị tập huấn để nâng cao nghiệp vụ cho các cán bộ tại địa phương. Ông Ngô Quang Giáp cũng đề nghị các cơ quan, tổ chức liên quan đến việc thực hiện công tác đăng ký biện pháp bảo đảm sau Hội nghị này sẽ triển khai thực hiện một cách nghiêm túc, toàn diện, có hiệu quả các văn bản pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm, qua đó nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh.

            

Trong 01 ngày, các đại biểu đã được nghe bà Nguyễn Thị Thu Hằng - Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm giới thiệu các nội dung cơ bản và những điểm mới của Thông tư số 07/2019/TT-BTP ngày 25/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn một số nội dung về đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất. Nhằm triển khai thi hành Nghị định số 102/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đăng ký biện pháp bảo đảm, Thông tư số 07/2019/TT-BTP đã cụ thể hóa và hướng dẫn chi tiết quy định của Nghị định số 102/2017/NĐ-CP theo hướng: (1) Minh bạch giấy tờ trong hồ sơ đăng ký đối với các trường hợp chưa được quy định cụ thể trong Nghị định 102/2017/NĐ-CP; (2) Đơn giản hóa thủ tục đăng ký, ví dụ như cho phép người dân thực hiện đồng thời thủ tục đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất hoặc xác nhận thay đổi với thủ tục đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; Tập trung xử lý những vướng mắc trong thực tiễn đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất cho người dân do chưa có quy định hướng dẫn thực hiện, ví dụ như trường hợp đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất là tài sản chung của vợ chồng, hộ gia đình, doanh nghiệp tư nhân… Những sửa đổi, bổ sung của Thông tư số 07/2019/TT-BTP nêu trên đã góp phần tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong việc tiếp cận và sử dụng dịch vụ đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực này tại các địa phương. Đồng thời, bà Nguyễn Thị Thu Hằng cũng đã chia sẻ một số tình huống pháp lý quan trọng mà cán bộ đăng ký cần lưu ý trong việc thực hiện công tác đăng ký biện pháp bảo đảm tại địa phương.

            
 
Tại Hội nghị các đại biểu và Báo cáo viên cũng đã trao đổi về những khó khăn, vướng mắc gặp phải trong quá trình triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm và đăng ký biện pháp bảo đảm trên địa bàn tỉnh. Qua Hội nghị tập huấn các cơ quan, tổ chức liên quan đến việc thực hiện công tác đăng ký biện pháp bảo đảm và đại biểu dự Hội nghị đã có nhiều thông tin bổ ích bổ sung cho việc thực hiện nhiệm vụ công tác đăng ký biện pháp bảo đảm tại đơn vị, địa phương.