Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong thực thi pháp luật

15/10/2020
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong thực thi pháp luật
Chiều 14/10, Bộ Tư pháp tổ chức Tọa đàm trao đổi để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong thực thi pháp luật hợp đồng dân sự. Tọa đàm nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Bộ Tư pháp và Dự án “Hài hòa hóa pháp luật hiện hành và thống nhất áp dụng pháp luật hướng tới năm 2020” (Dự án JICA).
Chủ trì Tọa đàm là ông Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế. Tham dự Tọa đàm có đại diện một số Bộ, ngành, doanh nghiệp, công ty luật, văn phòng luật sư, văn phòng công chứng, phòng công chứng, tổ chức tín dụng, chuyên gia, giảng viên tại một số cơ sở đào tạo chuyên ngành luật và cơ quan, tổ chức khác có liên quan.
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Thanh Tú cho biết việc hiểu và áp dụng pháp luật trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp không hề đơn giản, đòi hỏi các doanh nghiệp tìm hiểu kỹ quy định cơ bản của pháp luật, quyền và nghĩa vụ của mình trong các giao dịch hợp đồng. Doanh nghiệp cần lưu ý những quy định có thể xảy ra những rủi ro trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng.
Thực tiễn về hợp đồng rất đa dạng, rất khó, vì vậy ông Tú hi vọng tại Tọa đàm sẽ có những trao đổi, đối thoại xuất phát từ thực tế để tìm ra hướng xử lý hợp lý nhất. “Chúng tôi mong Tọa đàm sẽ mang lại nhiều kết quả cho từng người và cho chính chúng tôi”, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế nói. Ý kiến của các chuyên gia sẽ cung cấp thêm dữ liệu cho Bộ Tư pháp hoàn thiện thêm báo cáo rà soát pháp luật về hợp đồng và giải quyết tranh chấp hợp đồng để trìnhThủ tướng Chính phủ.
Ông Edagawa Mitsushi – Chuyên gia Dự án JICA cho rằng nguyên tắc tôn trọng tự do ý chí hợp đồng là nguyên tắc cơ bản được quy định trong Bộ luật Dân sự. Tuy nhiên tùy từng trường hợp, hoàn cảnh tự do ý chí hợp đồng cũng có những giới hạn riêng. “Tôi nghĩ rằng trên thực tế có nhiều tình huống khác nhau, và trong các bước để giao kết hợp đồng cũng chia ra nhiều bước cơ bản: giai đoạn trước khi giao kết hợp đồng, tại thời điểm giao kết hợp đồng, thời gian thực hiện các nghĩa vụ của hợp đồng đã giao kết, cuối cùng là giai đoạn chấm dứt hợp đồng… Đối với mỗi giai đoạn lại phát sinh vấn đề, luận điểm khác nhau. Trong hội thảo hôm nay chúng tôi hi vọng được nghe nhiều ý kiến, ví dụ cụ thể để làm sao giúp ích cho công việc của Bộ tư pháp nói chung, của Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế nói riêng”, ông Edagawa Mitsushi nói.
Hồng Mây