Nhận diện các vấn đề về chuyển đối số trong lĩnh vực xuất bản

17/09/2020
Nhận diện các vấn đề về chuyển đối số trong lĩnh vực xuất bản
Xuất bản sách trong kỷ nguyên số đặt ra nhiều vấn đề về sự tương thích giữa các khâu trong hoạt động xuất bản, về trình độ nguồn nhân lực, về tính pháp lý của các thỏa thuận hợp tác, về vấn đề bản quyền... Nhằm giúp nhận diện đầy đủ, chính xác các nội dung liên quan, chiều ngày 16/9/2020, Nhà xuất bản Tư pháp đã tổ chức Tọa đàm trao đổi kinh nghiệm về chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản với khách mời là ông Nguyễn Huy Du, CEO Nền tảng xuất bản số Ubase và ông Vũ Văn Vỹ, Giám đốc công nghệ Nền tảng xuất bản số Ubase - Những chuyên gia có nhiều kinh nghiệm, uy tín trong triển khai số hóa lĩnh vực xuất bản ở nước ta.
Phát biểu tại Tọa đàm, TS. Hồ Quang Huy, Giám đốc Nhà xuất bản Tư pháp khẳng định xuất bản số đang dần trở thành xu thế tất yếu của ngành xuất bản. Quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản cho thấy, vấn đề đào tạo con người, ứng dụng các kỹ năng, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, vận hành quy trình xuất bản thực sự vượt ra khỏi những hình dung vốn có về nhiều công việc của một nhà xuất bản truyền thống (chế bản, biên tập, in ấn và phát hành)... Do vậy, việc tổ chức nghiên cứu, nhận diện các yêu cầu, thách thức và giải pháp mang tính “nền tảng” của quá trình chuyển đổi số có ý nghĩa quan trọng đối với các nhà xuất bản, trong đó có Nhà xuất bản Tư pháp. Trên cơ sở các nguyên lý chung, mỗi nhà xuất bản sẽ phải cân nhắc, lựa chọn số hóa bắt đầu từ khâu nào, gắn với việc xác định phạm vi, cách thức và lộ trình chuyển đổi số các xuất bản phẩm một cách cụ thể, phù hợp.

 
Với kinh nghiệm của mình, sau khi trình bày những yêu cầu đặt ra, cách thức tiến hành chuyển đối số trong lĩnh vực xuất bản, ông Nguyễn Huy Du - CEO Nền tảng xuất bản số Ubase và ông Vũ Văn Vỹ, Giám đốc công nghệ Nền tảng xuất bản số Ubase cho rằng, với sản phẩm chuyển đổi từ sách truyền thống sang sách số, mỗi người dùng sau khi trả phí sẽ sử dụng nền tảng số như một thư viện cá nhân, mỗi cuốn sách họ sở hữu có một mã kích hoạt để sử dụng được cả ba phần: đọc, nghe hoặc đặt mua sách in. Ngoài tính năng cơ bản, còn phải kiến tạo những tương tác gần với thực tế nhất, chẳng hạn hệ thống sẽ đánh dấu số thứ tự độc giả, có tương tác sinh động, có chương trình bốc thăm may mắn… Điều thú vị còn ở chỗ, một số vấn đề nhỏ mà phương thức đọc truyền thống khó giải quyết như cho mượn hoặc “đòi” lại sách theo ý muốn người sở hữu thì việc số hóa giải quyết được hết. Nền tảng số cho phép trao đổi sách chỉ với một cú click chuột, hết thời hạn cài đặt, dữ liệu sẽ không hiển thị trên thư viện của người mượn.
Phát biểu ý kiến trao đổi về vấn đề này, các đồng chí Lãnh đạo Nhà xuất bản Tư pháp và lãnh đạo các phòng, ban đã đặt ra nhiều vấn đề gắn với thực tế hoạt động của đơn vị, cũng như những thách thức có thể phát sinh trong quá trình chuyển đối số (nguồn nhân lực; hạ tầng; chi phí đầu tư ban đầu; lợi nhuận, doanh thu; tiền bản quyền; bảo vệ quyền tác giả; đối tượng khách hàng…) nhất là đối với loại sách mang tính chuyên sâu, hàm lượng khoa học cao thuộc chuyên ngành luật.
Qua Tọa đàm cho thấy, mỗi nhà xuất bản cần xây dựng định hướng, chiến lược, bước đi phù hợp để vừa có thể bắt kịp yêu cầu của cơ chế thị trường, tận dụng nền tảng công nghệ số, vừa không ngừng nâng cao chất lượng xuất bản phẩm, bảo đảm phát triển bền vững gắn với từng khâu, từng công đoạn của công tác xuất bản trong giai đoạn hiện nay./.
                                                            Tổ Quản lý Website Nhà xuất bản Tư pháp