Họp Tổ soạn thảo DT NĐ quy định chi tiết Luật sđbs một số điều của Luật giám định tư pháp

04/09/2020
Họp Tổ soạn thảo DT NĐ quy định chi tiết Luật sđbs một số điều của Luật giám định tư pháp
Sáng nay (04/9), Phó Cục trưởng phụ trách Cục Bổ trợ tư pháp Nguyễn Thị Mai đã chủ trì cuộc họp Tổ soạn thảo dự thảo Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giám định tư pháp. Tham dự cuộc họp còn có các thành viên Tổ soạn thảo là đại điện của một số các Bộ, ngành.
Tại cuộc họp đồng chí Nguyễn Thị Mai, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Bổ trợ tư pháp cho biết, ngày 10/6/2020, tại kỳ hợp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp (Luật số 56/2020/QH14). Luật có hiệu lực từ ngày 01/01/2021. Luật số 56/2020/QH14 không giao Chính phủ quy định chi tiết điều, khoản, điểm của Luật.
Tuy nhiên, để triển khai thi hành Luật số 56/2020/QH14, Bộ Tư pháp đã rà soát các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn Luật Giám định tư pháp năm 2012 và thấy rằng, một số quy định của Nghị định số 85/2013/NĐ-CP ngày 29/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giám định tư pháp có những điểm đến nay không còn phù hợp với Luật số 56/2020/QH14, do đó sẽ gây vướng mắc trong quá trình thực hiện. Vì vậy, để triển khai thi hành Luật số 56/2020/QH14 một cách đồng bộ, hiệu quả thì việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 85/2013/NĐ-CP là cần thiết.
Về quan điểm chỉ đạo xây dựng Nghị định: Dự thảo Nghị định chỉ sửa đổi, bổ sung về kỹ thuật, không quy định nội dung, chính sách mới và bảo đảm phù hợp với các quy định của Luật số 56/2020/QH14; Đảm bảo việc triển khai Luật số 56/2020/QH14 trên thực tế được đồng bộ, hiệu quả.
Về quá trình xây dựng dự thảo được thực hiện như sau: Ngày 21/8/2020, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 1786/QĐ-BTP thành lập Tổ soạn thảo Nghị định; Dự thảo Nghị định đã được gửi các Bộ, ngành, địa phương và được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp để xin ý kiến. Trên cơ sở ý kiến góp ý, Bộ Tư pháp đã tiếp thu chỉnh lý hoàn thiện Dự thảo Nghị định; Hội đồng thẩm định sẽ tổ chức họp thẩm định Dự thảo Nghị định. Trên cơ sở ý kiến của Hội đồng thẩm định, Bộ Tư pháp đã chỉnh lý, hoàn thiện trước khi trình Chính phủ.
Các đại biểu tham dự cuộc họp đã trao đổi, thảo luận nhằm thống nhất một số nội dung như: Tổ chức giám định tư pháp công lập, giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc, trách nhiệm của bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thủ tục hành chính...
N.Dung