Họp Tổ biên tập dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP

26/08/2020
Họp Tổ biên tập dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP
Thực hiện Kế hoạch soạn thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sau đây gọi tắt là dự thảo Nghị định) và ý kiến Kết luận của Trưởng Ban soạn thảo (tại cuộc họp Ban soạn thảo ngày 30/7/2020), ngày 24/8/2020, Bộ Tư pháp tổ chức cuộc họp Tổ biên tập lần thứ nhất để góp ý vào dự thảo Tờ trình và dự thảo 1 Nghị định. Cuộc họp do ông Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật - Tổ trưởng Tổ biên tập chủ trì.
Thay mặt Thường trực Tổ biên tập, ông Võ Văn Tuyển, Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật - Phó Tổ trưởng Tổ biên tập báo cáo tóm tắt quá trình nghiên cứu, xây dựng dự thảo 1 Nghị định, dự thảo Tờ trình và những nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định. Trên cơ sở rà soát các quy định mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và qua đánh giá các quy định Nghị định số 34/2016/NĐ-CP sau hơn 04 năm thi hành, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật đã chủ trì, phối hợp với Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật dự kiến sửa đổi, bổ sung 54 điều về nội dung, 15 điều về kỹ thuật cùng một số phụ lục, biểu mẫu ban hành kèm theo Nghị định số 34/2016/NĐ-CP. Theo đó, nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung tập trung vào một số quy định như: giải thích từ ngữ; xác định văn bản quy phạm pháp luật; xây dựng nội dung chính sách, đánh giá tác động của chính sách (Mục 1, Chương II); soạn thảo, thẩm định dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (tại Chương IV); thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật (Chương V); kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật (Chương VIII, IX) và một số quy định khác liên quan đến việc bảo đảm nguồn lực xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Chương X).
Tại cuộc họp, thành viên Tổ biên tập đã trao đổi, thảo luận và đóng góp ý kiến để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị định và dự thảo Tờ trình, trong đó nhiều ý kiến phát biểu liên quan đến phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị định và một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau trong Dự thảo.
Về phạm vi điều chỉnh, thành viên Tổ biên tập nhất trí cao với việc dự thảo Nghị định tập trung vào 02 nhóm vấn đề, gồm: Nhóm thứ nhất - sửa đổi, bổ sung các quy định của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP để bảo đảm phù hợp với những quy định mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015; Nhóm thứ hai - sửa đổi, bổ sung một số quy định không còn phù hợp, gây khó khăn, vướng mắc hoặc cản trở công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã được phát hiện trong quá trình thi hành Nghị định này.
Đồng thời, thành viên Tổ biên tập cũng đề nghị Thường trực Tổ biên tập nghiên cứu, cân nhắc để chỉnh lý thêm một số nội dung trong dự thảo Nghị định cho cụ thể, phù hợp và sát thực tế hơn, chẳng hạn như: quy định về giải thích một số thuật ngữ (biện pháp có tính chất đặc thù, văn bản quy định chi tiết…); việc bổ sung quy định hướng dẫn về quy trình, thời hạn đánh giá tác động chính sách trong trường hợp đại biểu Quốc hội, Nhân dân đề nghị bổ sung chính sách mới vào dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Điều 31); việc bổ sung quy định về lập danh mục, theo dõi, đôn đốc văn bản quy định chi tiết nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ (Điều 28, Điều 29); việc bổ sung quy định để xử lý đối với văn bản trái pháp luật khi quy định về thời điểm có hiệu lực của văn bản không tuân thủ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Điều 130); việc bổ sung một số biểu mẫu (như mẫu báo cáo thẩm định, mẫu đề cương chi tiết…).
Kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Hồng Tuyến - Tổ trưởng Tổ biên tập đánh giá cao sự tham gia và những ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của các thành viên Tổ biên tập. Theo Quyết định số 1109/QĐ-TTg ngày 24/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 9 thì việc xây dựng dự thảo Nghị định được thực hiện theo trình tự, thủ tục rút gọn và Bộ Tư pháp có trách nhiệm hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị định để trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến vào tháng 10/2020. Do vậy, đồng chí Nguyễn Hồng Tuyến chỉ đạo Thường trực Tổ biên tập khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của thành viên Tổ biên tập để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị định, dự thảo Tờ trình và các tài liệu khác có liên quan; kịp thời báo cáo, xin ý kiến Ban soạn thảo trước khi gửi lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan về hồ sơ dự thảo Nghị định.
Trần Việt Đức, Vụ Các vấn đề chung về XDPL