Lào Cai: Khảo sát về tình hình thi hành các quy định của pháp luật về chính sách trợ giúp xã hội

20/07/2020
Lào Cai: Khảo sát về tình hình thi hành các quy định của pháp luật về chính sách trợ giúp xã hội
Ngày 17/7/2020, Đoàn khảo sát của Bộ Tư pháp do ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp làm Trưởng Đoàn đã đến Trung tâm công tác xã hội tỉnh Lào Cai để khảo sát tình hình thi hành các quy định của pháp luật về chính sách đối với đối tượng yếu thế tại Trung tâm. Tham gia đoàn khảo sát còn có đại diện của Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp; Vụ Pháp luật hình sự - hình chính, Bộ Tư pháp; Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai; Sở Tư pháp tỉnh Lào Cai.
Việc khảo sát lần này của Đoàn công tác nhằm mục đích nghiên cứu, đánh giá hệ thống pháp luật về chính sách công tác xã hội, chăm sóc sức khỏe đối tượng là người yếu thế và hoạt động của các cở sở bảo trợ xã hội trong quá trình thực hiện, kiến nghị giải pháp hoàn thiện; Xây dựng Báo cáo tổng hợp của Bộ Tư pháp gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về Chương trình mục tiêu phát triển an sinh xã hội trong hệ thống trợ giúp xã hội đối với đối tượng yếu thế.
Thay mặt Trung tâm công tác xã hội tỉnh Lào Cai, Giám đốc Giàng Thị Thu đã báo cáo với Đoàn công tác một số nội dung: Quá trình thành lập và hoạt động của cơ sở bảo trợ xã hội, số lượng đối tượng bảo trợ xã hội hiện nay, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện; Các chính sách, chế độ đối với cơ sở bảo trợ xã hội, đối tượng bảo trợ và vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện; Cơ chế phối hợp của các cơ quan có liên quan trong việc thực hiện các chính sách, chế độ đối với cơ sở bảo trợ xã hội và đối tượng bảo trợ; Kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về các chính sách, chế độ đối với cơ sở bảo trợ xã hội và đối tượng bảo trợ.
Trong đó, một số vướng mắc, bất cập có thể kể tới như: trẻ em mồ côi cha, khi người mẹ đi lấy chồng khác phải bỏ lại con của mình (nhưng do phong tục, tập quán của địa phương), do đó người con không có nguồn nuôi dưỡng, buộc Trung tâm bảo trợ xã hội vẫn phải tiếp nhận, tuy nhiên đối tượng này chưa được hưởng các chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội tại Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ. Mức chuẩn trợ cấp, trợ giúp xã hội là 270.000 đồng quy định tại Nghị định số 136/2013/NĐ-CP còn thấp, chưa đảm bảo chi phí, sinh hoạt cho các đối tượng được bảo trợ. Người làm công tác chăm sóc, trông coi, phục vụ người nghiện ma túy bị nhiễm HIV/AIDS tại Trung tâm công tác xã hội chưa được hưởng phụ cấp độc hại, nguy hiểm. Quy định pháp luật về việc tuyển dụng viên chức đối với các Trung tâm bảo trợ xã hội còn một số vướng mắc…
Thay mặt Đoàn công tác, ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế đã ghi nhận thông tin về những vướng mắc, bất cập của các quy định của pháp luật về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Đoàn công tác sẽ nghiên cứu, đề xuất, tham gia ý kiến trong quá trình hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan; tổng hợp báo cáo Lãnh đạo Bộ và xây dựng Báo cáo tổng hợp của Bộ Tư pháp gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về Chương trình mục tiêu phát triển an sinh xã hội trong hệ thống trợ giúp xã hội đối với đối tượng yếu thế.
Nhân dịp này, ông Lê Đại Hải cũng thay mặt Đoàn Công tác gửi tới Trung tâm công tác xã hội tỉnh Lào Cai những món quà thiện nguyện của công chức Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp nhằm chia sẻ một phần những khó khăn, mất mát, thiệt thòi của các đối tượng yếu thế tại Trung tâm./.