Hội thảo lấy ý kiến kết quả rà soát quy định pháp luật liên quan việc tiếp cận PL của doanh nghiệp

08/07/2020
Hội thảo lấy ý kiến kết quả rà soát quy định pháp luật liên quan việc tiếp cận PL của doanh nghiệp
Chiều nay (08/7), tại trụ sở Bộ Tư pháp, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về kết quả rà soát quy định pháp luật liên quan đến việc tiếp cận pháp luật của doanh nghiệp.
Thực hiện Quyết định số 822/QĐ-TCT ngày 10/4/2020 của Tổ trưởng Tổ Công tác Ban hành kế hoạch hoạt động năm 2020 của Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản QPPL, Cục Kiểm tra văn bản đã triển khai một số nội dung sau: Xác định phạm vi và lập Danh mục các văn bản về lĩnh vực tiếp cận pháp luật của doanh nghiệp, gồm: các văn bản QPPL quy định về việc tiếp cận pháp luật của doanh nghiệp ban hành đến hết ngày 30/6/2020, còn hiệu lực; Chủ trì, phối hợp với Vụ Pháp luật hình sự-hành chính, Vụ Pháp luật dân sự-kinh tế và Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật thực hiện rà soát văn bản theo quy định; Tổ chức các cuộc họp, Hội thảo, Tọa đàm với các chuyên gia, nhà khoa học, người làm công tác thực tiễn liên quan để trao đổi, thảo luận về các quy định có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp, bất cập trong các quy định về tiếp cận pháp luật của doanh nghiệp; Xây dựng dự thảo Báo cáo kết quả rà soát quy định pháp luật về tiếp cận pháp luật của Doanh nghiệp.
Báo cáo kết quả tại cuộc họp cho biết, tổng số văn bản được rà soát gồm 34 văn bản trong đó, kết quả rà soát cho thấy không có văn bản QPPL quy định về tiếp cận pháp luật của doanh nghiệp có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo. Về cơ bản, hệ thống văn bản QPPL quy định về tiếp cận pháp luật của doanh nghiệp đã đảm bảo hành lang pháp lý để các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương thực hiện. Hệ thống văn bản QPPL cơ bản đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch. Các văn bản được ban hành đúng thẩm quyền, có căn cứ pháp lý phù hợp với quy định. Tuy nhiên, kết quả rà soát cho thấy còn một số quy định có bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, cho ý kiến về kết quả rà soát quy định pháp luật liên quan đến việc tiếp cận pháp luật của doanh nghiệp. Đồng thời, các đại biểu cũng chỉ ra một số giải pháp quan trọng nhằm khắc phục một số tồn tại, hạn chế như: Đẩy mạnh công tác rà soát văn bản ngay khi có căn cứ rà soát theo quy định nhằm kịp thời phát hiện các nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp so với thực tiễn, kịp thời xử lý hoặc kiến nghị các cơ quan, người có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản mới, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật; Nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tinh thần trách nhiệm đến cùng, sự tâm huyết của cá nhân, tập thể trong việc xây dựng và ban hành văn bản; Tăng cường nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan trong công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát và xử lý văn bản...
Phát biểu kết luận tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Duy Thắng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự Hội thảo để Cục Kiểm tra văn bản QPPL xây dựng Báo cáo đầy đủ trình Lãnh đạo Bộ. Qua đó, đồng chí Nguyễn Duy Thắng nhấn mạnh trong thời gian tới các Bộ, ngành cần tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc đăng tải, phổ biến, hỏi đáp về nội dung văn bản QPPL nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật, giúp cho doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức dễ dàng tiếp cận pháp luật và áp dụng pháp luật.
Ngọc Dung - Trung tâm Thông tin