Đánh giá tình hình thực hiện quy định Bộ luật dân sự năm 2015, Nghị định số 163/2006/NĐ-CP

27/12/2019
Đánh giá tình hình thực hiện quy định Bộ luật dân sự năm 2015, Nghị định số 163/2006/NĐ-CP
Trong khuôn khổ Chương trình hợp tác năm 2019 giữa Bộ Tư pháp với Ngân hàng Thế giới, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm phối hợp cùng Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) tổ chức Hội nghị về đánh giá tình hình thực hiện quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 và Nghị định số 163/2006/NĐ-CP và tập huấn bồi dưỡng, nâng cao năng lực về pháp luật đăng ký biện pháp bảo đảm tại Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 27 tháng 12 năm 2019.
Hội nghị do ông Phạm Tuấn Ngọc – Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm chủ trì. Tham dự Hội nghị, về phía Công ty Tài chính quốc tế có bà Phạm Thị Thanh Huyền, Chuyên gia cao cấp ngành tài chính, Tập đoàn Tài chính Quốc tế IFC, Nhóm Ngân hàng Thế giới. Về phía Việt Nam, có đại diện đến từ Cục Đăng ký quốc gia dịch bảo đảm, đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; đại diện các Sở, ngành như Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh; đại diện của một số Văn phòng đăng ký đất đai; đại diện của Hiệp hội Ngân hàng tại thành phố Hồ Chí Minh, đại diện các tổ chức tín dụng, tổ chức hành nghề công chứng, công ty luật, cơ sở đào tạo luật….
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe đại diện Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm trình bày một số đánh giá bước đầu của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm về những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành Nghị định số 163/2006/NĐ-CP và những yêu cầu về bảo đảm sự thống nhất trong pháp luật và giải pháp. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng được nghe chuyên gia của các tổ chức tín dụng trình bày các tham luận về các vướng mắc, bất cập gặp phải trong việc thực hiện các quy định của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP và đề xuất giải pháp đối với việc hoàn thiện pháp luật về giao dịch bảo đảm của Việt Nam để đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả, tính khả thi của các quy định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của Bộ luật Dân sự năm 2015.
Các đại biểu cũng trao đổi và thảo luận trực tiếp các vấn đề liên quan đến tài sản bảo đảm; chủ thể xác lập giao dịch bảo đảm; việc xác lập, thực hiện giao dịch bảo đảm, biện pháp bảo đảm; xử lý tài sản bảo đảm, trong đó đặc biệt quan tâm đến quyền tiếp cận, chi phối và xử lý tài sản bảo đảm. Các vấn đề về vướng mắc và kiến nghị hoàn thiện pháp luật được nêu trong bài tham luận của các diễn giả về cơ bản phù hợp và trùng khớp với ý tưởng về giải pháp sửa đổi Nghị định số 163/2006/NĐ-CP được đề cập tại Báo cáo dẫn đề của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm như: quy định rõ hơn về tài sản bảo đảm là quyền tài sản bảo đảm là quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở; quy định cụ thể về xác lập biện pháp cầm cố, hay thế chấp đối với số dư trên tài khoản tiền gửi tiết kiện, số dư trên tài khoản thanh toán; bảo vệ quyền lợi của bên nhận bảo đảm trong trường hợp tài sản bảo đảm là phương tiện giai thông cơ giới bị thu giữ hoặc tịch thu do vi phạm pháp luật hình sự hoặc hành chính; vấn đề bảo vệ người thứ ba ngay tình…. Tại Hội nghị, các ý kiến cơ bản đều thống nhất với các giải pháp dự kiến sửa đổi hướng dẫn thi hành Bộ luật dân sự 2015 và pháp luật có liên quan về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự.
       

Tại Hội nghị này, các đại biểu đã được nghe đại diện Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm trình bày về những nội dung doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cần quan tâm về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, về kỹ năng nhận bảo đảm bằng tài sản là động sản. Hội nghị cũng nghe giới thiệu những điểm mới và nội dung cơ bản của Thông tư số 07/2019/TT-BTP ngày 25/11/2019 của Bộ Tư pháp hướng dẫn một số nội dung về đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, trong đó tập trung vào một số nội dung như: giải thích từ ngữ; nguyên tắc đăng ký; từ chối đăng ký; đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng, tài sản chung của hộ gia đình, của nhóm người sử dụng đất, tài sản của doanh nghiệp tư nhân; đăng ký thay đổi nội dung thế chấp đã đăng ký trong một số trường hợp…. Đại diện Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã trao đổi, thảo luận và giải đáp với các đại biểu về các vướng mắc gặp phải trong thực tiễn xác lập, thực hiện giao dịch bảo đảm, biện pháp bảo đảm và đăng ký biện pháp bảo đảm
Sau một ngày làm việc sôi nổi, Hội nghị đã thành công tốt đẹp. Phát biểu kết thúc nghị, ông Nguyễn Hồng Hải khẳng định, các ý kiến thảo luận, góp ý của các đại biểu có ý nghĩa quan trọng, trên cơ sở đó, nhóm thường trực sẽ nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự (thay thế Nghị định số 163/2006/NĐ-CP) để trình Chính Chính phủ đưa vào Chương trình xây dựng văn bản, đề án của Chính phủ năm 2020.
Việt Phương - Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm