Kết thúc 06 tuần vòng loại Cuộc thi “Pháp luật học đường” – Gần 315.000 lượt thí sinh tham gia dự thi

25/12/2019
Kết thúc 06 tuần vòng loại Cuộc thi “Pháp luật học đường” – Gần 315.000 lượt thí sinh tham gia dự thi
Nhằm đổi mới hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Tập đoàn giáo dục Egroup tổ chức Cuộc thi trực tuyến toàn quốc tìm hiểu kiến thức pháp luật trong các trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên và cơ sở giáo dục nghề nghiệp (gọi tắt là Cuộc thi “Pháp luật học đường”).
Cuộc thi được phát động vào tối ngày 08/11/2019 tại Trường THPT Chu Văn An Hà Nội nhằm hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2019; được tổ chức trong phạm vi toàn quốc và chia thành 03 vòng (vòng loại, vòng bán kết, vòng chung kết). Đối tượng dự thi là học sinh các trường trung học phổ thông, học viên trung tâm giáo dục thường xuyên (Bảng A) và học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (Bảng B). Nội dung thi gắn với kiến thức môn học giáo dục công dân, môn pháp luật được giảng dạy trong chương trình chính khóa; đồng thời cập nhật, mở rộng một số nội dung pháp luật phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, góp phần định hướng cho các em hành vi ứng xử đúng pháp luật. Qua đó tăng cường ý thức tự tìm hiểu, học tập pháp luật và chấp hành pháp luật cho các em – thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước. Ban Tổ chức Cuộc thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương hưởng ứng, tham gia Cuộc thi. Hầu hết các địa phương trong cả nước đã tích cực chỉ đạo, hướng dẫn các nhà trường, cơ quan, đơn vị thực hiện.

Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội và
Cao đẳng Kinh tế Công nghiệp Hà Nội

Trường THPT Xuân Huy,
tỉnh Tuyên Quang
Vòng loại của Cuộc thi diễn ra từ ngày 11/11/2019 đến hết ngày 22/12/2019. Sau 06 tuần thi của vòng loại, Cuộc thi đã thu hút 314.675 lượt thí sinh tham gia dự thi, 22/63 địa phương có số lượng lượt thí sinh tham gia thi đạt trên 3.000 lượt. 10 tỉnh, thành phố có số lượt thí sinh thi cao nhất gồm: Ninh Bình, TP. Hồ Chí Minh, Hà Tĩnh, Nghệ An, Bắc Ninh, Tuyên Quang, Bình Định, TP Hà Nội, TP Cần Thơ và Thái Nguyên. Đối với từng bảng, các địa phương có số lượng thí sinh tham gia thi đông đảo là: Ninh Bình, TP. Hồ Chí Minh, Hà Tĩnh, Nghệ An, Tuyên Quang, Bắc Ninh, Bình Định, TP. Hà Nội… (bảng A); TP. Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Ninh Bình, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Quảng Ninh… (bảng B). Nhiều thí sinh đạt điểm tuyệt đối là 300/300 điểm. Cuộc thi đã có sức lan tỏa rộng lớn, hấp dẫn tuổi trẻ học đường và trở thành sân chơi bổ ích, hấp dẫn cho học sinh, sinh viên – thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước.

Trường TCKT kỹ thuật Hậu Giang

Trường THPT Lương Văn Tụy, Ninh Bình
Hiện nay, Ban Tổ chức Cuộc thi đang rà soát, thống kê danh sách thí sinh đạt giải tuần 6 của vòng loại để tiến hành trao giải cho 10 thí  sinh của mỗi bảng có điểm thi cao nhất và thời gian làm bài ngắn nhất, mỗi giải thưởng trị giá 300.000 đồng. Các thí sinh đạt giải tuần 6 còn được Tập đoàn Giáo dục Egroup tặng Thẻ học online. Kết thúc vòng loại, Ban Tổ chức sẽ lựa chọn các thí sinh tham gia thi vòng loại tối thiểu 04 tuần và có điểm thi trong mỗi tuần đạt từ 210 điểm trở lên để tham gia vòng bán kết được tổ chức từ ngày 10/02/2019 đến hết ngày 23/02/2019./.
Ban Tổ chức Cuộc thi “Pháp luật học đường”