Hội thảo xây dựng khung pháp lý cho việc ứng dụng, phát triển các sản phẩm dịch vụ công nghệ Blockchain”

23/12/2019
Hội thảo xây dựng khung pháp lý cho việc ứng dụng, phát triển các sản phẩm dịch vụ công nghệ Blockchain”
Ngày 14/12/2019, tại thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội thảo “Xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý cho việc ứng dụng, phát triển các sản phẩm dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ Blockchain”. Ông Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp, đã chủ trì Hội thảo.

Hội thảo có sự tham gia của đại diện đến từ Bộ Công an; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Ủy ban chứng khoán Nhà nước; Bộ Thông tin và Truyền thông; Sở Tư pháp TPHCM, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, Cục thuế TPHCM, Công an TPHCM. Ngoài ra, một số doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là các doanh nghiệp đang phát triển sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng công nghệ Blockchain, các công ty luật và các cơ sở nghiên cứu, đào tạo (như Đại học RMIT Việt Nam, Đại học Luật TPHCM, Đại học Tôn Đức Thắng…) cũng có đại diện tham gia và phát biểu tại Hội thảo.
Hội thảo được chia làm 02 phiên chính, tại phiên buổi sáng, các đại biểu tham gia Hội thảo đã lắng nghe phần trình bày các Tham luận với các chủ đề như: “Blockchain thay đổi diện mạo ngành Nông nghiệp Việt Nam”, “Thanh toán quốc tế qua blockchain cho Doanh nghiệp: Tích hợp để không bỏ lỡ xu thế cắt giảm 98% chi phí, và những khó khăn” và “Blockchain - Hạ tầng tin cậy cho giao dịch điện tử, Thách thức về pháp lý ở Việt Nam”, theo đó, bên cạnh các ứng dụng như tiền ảo, tài sản ảo, Blockchain còn có thể được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực các nhau như y tế, giáo dục, nông nghiệp, truy xuất nguồn gốc, định danh cá nhân, truy xuất các giao dịch...
Tại phiên buổi chiều, Hội thảo đã nghe các tham luận về: “Tổng quan Ứng dụng và Một số vấn đề về Chính sách và Quy định về Blockchain ở Việt Nam”, “Ứng dụng Blockchain trong truy xuất giao dịch Nhà ở - Đất ở”, và “Phát triển kinh tế số dựa trên nền tảng công nghệ Blockchain: Cơ hội và thách thức”.
Sau đó, Hội thảo bước vào phiên thảo luận, trao đổi, tập trung vào khung pháp lý cho việc ứng dụng, phát triển các sản phẩm, dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ Blockchain tại Việt Nam và những đề xuất, kiến nghị của các doanh nghiệp khởi nghiệp, hoạt động trong lĩnh vực này. Về cơ bản, các đại biểu đều cho rằng: công nghệ Blockchain có nhiều tiềm năng ứng dụng trong nhiều lĩnh vực cả trong khu vực công lẫn khu vực tư, góp phần minh bạch hóa các thông tin về tài sản, giao dịch; chống sự tấn công, mất hay chỉnh sửa dữ liệu; để phát triển rộng rãi các sản phẩm, dịch vụ được phát triển trên nền tảng công nghệ Blockchain tại Việt Nam thì cần tháo gỡ các thách thức về pháp lý như cần công nhận các tài sản ảo (crypto-asset) là một loại tài sản theo pháp luật dân sự; cần ban hành khung pháp lý quản lý thử nghiệm (sandbox) đối với công nghệ Blockchain tại Việt Nam nhằm tạo khung pháp lý cho sự phát triển của công nghệ này tại Việt Nam, trước mắt là khung pháp lý thử nghiệm cho (i) các sàn giao dịch, đặc biệt là các sàn crypto-fiat và (ii) các hoạt động phát hành token chứng khoán ra công chúng (STOs), tránh tình trạng doanh nghiệp Việt Nam phải đầu tư, khởi nghiệp tại quốc gia khác có hạ tầng pháp lý tốt hơn gây thất thoát nguồn vốn, nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam; Nhà nước cũng cần thực hiện các chính sách ưu đãi thuế, tín dụng cho các doanh nghiệp công nghệ, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa…
-Nhóm nghiên cứu Blockchain, Vụ PLDSKT-