Ngày 17/12, Bộ Tư pháp đã tổ chức Tọa đàm góp ý dự thảo Chỉ thị thay thế Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 9/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân với sự chủ trì của Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) Lê Vệ Quốc.
Đánh giá khái quát kết quả sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, Vụ trưởng Vụ PBGDPL Lê Vệ Quốc khẳng định công tác PBGDPL đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhận thức của cấp ủy, tổ chức đảng về vai trò, tầm quan trọng của công tác PBGDPL được nâng lên. Nội dung PBGDPL có trọng tâm, trọng điểm, bám sát nhu cầu xã hội, nhiệm vụ chính trị của Bộ, ngành, địa phương, phù hợp hơn với từng đối tượng, địa bàn. Hình thức PBGDPL đã được thể hiện đa dạng, phong phú, thể hiện màu sắc, văn hóa của từng vùng miền đem lại hiệu quả thiết thực.
Số lượng, chất lượng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật từng bước được cải thiện, nâng cao, đảm bảo ngày càng thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được giao. Nguồn lực tài chính và việc huy động các nguồn lực tham gia công tác PBGDPL đã được chú trọng và triển khai tương đối hiệu quả. Với những kết quả tích cực đó, nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân đã được tăng cường, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế xã hội, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và tăng cường quản lý nhà nước bằng pháp luật.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác PBGDPL ở một số bộ, ngành, địa phương vẫn chưa được quan tâm đúng mức, còn dàn trải, hình thức, thiếu thực chất. Nguồn nhân lực thực hiện công tác PBGDPL còn chưa đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; cơ sở vật chất, kinh phí dành cho công tác này chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là vùng sâu, vùng xa, địa bàn khó khăn…
Ông Quốc nhấn mạnh: Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng cùng tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội với nhiều thông tin không chính xác thì việc tiếp tục tăng cường, đổi mới sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL là vô cùng thiết. Điều đó đặt ra yêu cầu nghiên cứu, ban hành Chỉ thị mới thay thế Chỉ thị số 32-CT/TW.
Phó Vụ trưởng Vụ PBGDPL Ngô Quỳnh Hoa cho biết: Dự thảo Chỉ thị thay thế Chỉ thị số 32-CT/TW gồm 16 mục tập trung vào 9 nhóm nhiệm vụ. Bao gồm: Tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của công tác PBGDPL; xác định công tác PBGDPL là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; chú trọng nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế đáp ứng công tác PBGDPL theo hướng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về PBGDPL; tiếp tục đổi mới nội dung, đa dạng hóa các hình thức PBGDPL; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, kỹ thuật số trong triển khai các hoạt động PBGDPL; gắn đổi mới tổ chức bộ máy, xây dựng cơ quan tham mưu có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu của công tác PBGDPL trong giai đoạn mới với xây dựng, kiện toàn đội ngũ người làm công tác PBGDPL; hoàn thiện cơ chế tài chính tốt cho công tác PBGDPL; tổ chức triển khai tốt các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động phối hợp về công tác PBGDPL.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Giáo dục và Đào tạo Mai Thị Anh, cần làm rõ kết quả sau 15 năm triển khai Chỉ thị số 32-CT/TW đồng thời đánh giá những mặt chưa làm được để khắc phục, đưa vào Chỉ thị thay thế. Góp ý cụ thể nội dung, bà Mai Thị Anh cho rằng Dự thảo quy định “quy hoạch, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ người làm công tác PBGDPL biết tiếng dân tộc thiểu số, ngoại ngữ” còn chung chung; cần tách bạch giữa đội ngũ người làm công tác PBGDPL ở vùng miền núi, dân tộc, biết tiếng dân tộc với đội ngũ người làm công tác PBGDPL nói chung nhưng biết ngoại ngữ, biết tiếng dân tộc.
Về vấn đề phối hợp giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Tư pháp trong việc nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL trong nhà trường, tiếp tục hoàn thiện nội dung chương trình, giáo trình, sách giáo khoa, tài liệu tham khảo phục vụ việc giảng dạy, học tập kiến thức pháp luật, bà Mai Thị Anh lưu ý điểm c khoản 1 Điều 32, Luật giáo dục năm 2019 quy định UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn SGK sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn cần nghiên cứu kỹ để không vượt thẩm quyền.
Còn ông Nguyễn Quốc Huy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh nhấn mạnh Chỉ thị thay thế cần nêu mạnh mẽ, trực diện hơn các vấn đề mới so với Chỉ thị số 32-CT/TW đồng thời cần bổ sung thêm quan điểm xác định công tác PBGDPL vừa là nhiệm vụ chiến lược, lâu dài vừa là nhiệm vụ cấp thiết trước mắt, cần thực hiện thường xuyên, liên tục. Ngoài ra, Dự thảo Chỉ thị cần kết cấu ngắn gọn hơn với 6 mục gồm các nội dung: nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của công tác PBGDPL; nội dung PBGDPL; hình thức PBGDPL; nguồn lực phục vụ công tác PBGDPL; công tác phối hợp; tổ chức thực hiện.
Đề cập đến vấn đề khó khăn nhất hiện nay trong công tác PBGDPL đó là cơ chế tài chính hỗ trợ cho công tác này còn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, đại diện Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp đề nghị dự thảo Chỉ thị cần quy định rõ trách nhiệm của Bộ Tài chính, các cơ quan tài chính địa phương để việc triển khai đảm bảo khả thi. Còn đại diện Bộ Công an lưu ý thêm: Dự thảo Chỉ thị cần gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 cùng với các chủ trương, chính sách về cải cách hành chính.