Ngày 13/11/2019, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Tư pháp và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (JICA) đã phối hợp tổ chức Tọa đàm “Đánh giá thực trạng công tác tổ chức thi hành pháp luật tại Việt Nam và đề xuất, kiến nghị xây dựng, hoàn thiện pháp luật”. Ông Đặng Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Cục QLXLVPHC&TDTHPL), Bộ Tư pháp và các ông Edagawa Mitsushi, quyền Cố vấn trưởng Dự án JICA, ông Yokomaku Kosuke, công tố viên Bộ Tư pháp Nhật Bản đã đồng chủ trì buổi Tọa đàm. Tham dự Tọa đàm có đại diện các Sở Tư pháp một số tỉnh khu vực phía Nam; đại diện các các Sở, ban, ngành, Phòng Tư pháp một số quận, huyện thành phố Hồ Chí Minh và các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực nhà nước và pháp luật.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Đặng Thanh Sơn, Cục trưởng Cục QLXLVPHC&TDTHPL, Bộ Tư pháp đã đề cập những cơ sở chính trị - pháp lý cho việc đẩy mạnh hoàn thiện pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong những năm tới được nêu tại Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, nhiệm vụ được Ban cán sự Đảng Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì tăng cường công tác theo dõi thi hành pháp luật; nâng cao năng lực phản ứng chính sách và các vấn đề mới phát sinh; nghiên cứu đề xuất chính sách phục vụ việc lập hồ sơ trình Chính phủ đề nghị xây dựng Luật về tổ chức thi hành pháp luật trong giai đoạn năm 2018-2020 đã được nêu rõ tại “Đề án Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật giai đoạn năm 2018-2022” được phê duyệt bởi Quyết định số 242/2018/QĐ-TTg ngày 26/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ xây dựng Luật về tổ chức thi hành pháp luật theo hướng: quy định rõ ràng về trách nhiệm, thẩm quyền và nội dung tổ chức thi hành pháp luật. Đồng thời, đồng chí Cục trưởng Cục QLXLVPHC&TDTHPL cũng có những nhận định, đánh giá bước đầu về những khó khăn, thách thức đặt ra trong quá trình nghiên cứu, xây dựng chính sách góp phần hoàn thiện thể chế về tổ chức thi hành pháp luật ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Tham luận về nhu cầu hoàn thiện thể chế về tổ chức thi hành pháp luật ở Việt Nam hiện nay nhìn từ góc độ lý luận và thực tiễn, ông Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của tổ chức thi hành pháp luật đối với việc hiện thực hóa kết quả của hoạt động lập pháp, lập quy trong thực tiễn, thực hiện quyền hành pháp, đảm bảo cho Hiến pháp, luật giữ địa vị thống trị trong nhà nước pháp quyền. Thông qua hoạt động tổ chức thi hành pháp luật có thể phát hiện những khoảng trống của pháp luật, những quy định pháp luật không phù hợp, không đi vào cuộc sống, từ đó hoàn thiện pháp luật, nâng cao chất lượng hoạt động lập pháp và lập quy. Để tăng cường, hoàn thiện thể chế cho công tác tổ chức thi hành pháp luật trong thời gian tới, ông Nguyễn Hồng Tuyến có nêu bốn kiến nghị chính, gồm: Thứ nhất, cần xác định xây dựng và hoàn thiện pháp luật phải gắn với tổ chức thi hành pháp luật; củng cố các thiết chế thi hành pháp luật, bảo đảm pháp luật vừa là công cụ quản lý xã hội, vừa là công cụ để Nhân dân kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật; Thứ hai, phải xem tổ chức thi hành pháp luật là một yếu tố cấu thành của hệ thống pháp luật, chứ không thuần túy chỉ là một công cụ, giải pháp thực hiện pháp luật. Thứ ba, cần kiện toàn tổ chức bộ máy chuyên trách đảm trách công tác tổ chức thi hành pháp luật; Thứ tư, cần nghiên cứu đề xuất hoàn thiện thể chế về tổ chức thi hành pháp luật ở tầm luật, xây dựng đạo luật về tổ chức thi hành pháp luật nhằm bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp 2013 để thực hiện đồng bộ, thống nhất công tác tổ chức thi hành pháp luật, công tác theo dõi thi hành pháp luật; bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của những hoạt động này.
Trong tham luận trình bày tại Tọa đàm, ông Yokomaku Kosuke, công tố viên Bộ Tư pháp Nhật Bản đã có những trao đổi về thể chế bảo đảm tổ chức thi hành pháp luật đúng tại Nhật Bản. Theo ông Yokomaku Kosuke, để luật được thi hành đúng, cùng với việc thi hành luật cần đồng thời ban hành các quy định chi tiết (văn bản dưới luật) nhằm cụ thể việc thi hành. Quy định chi tiết không được xây dựng khi nội dung luật chưa xác định. Vì vậy, việc chuẩn bị các quy định chi tiết thường được tiến hành muộn hơn một chút so với việc chuẩn bị luật. Và để các quy định chi tiết được thi hành đồng thời với luật, cần định ngày thi hành luật trên cơ sở đã tính đến thời gian cần thiết để xây dựng các quy định chi tiết. Ông Yokomaku Kosuke nhấn mạnh vai trò của sự thảo luận kỹ lưỡng, tính toán các tình huống trong giai đoạn lập pháp để hạn chế những tồn tại, hạn chế của pháp luật trong quá trình tổ chức thi hành dù pháp luật mang tính trìu tượng và khái quát hóa cao. Đại biểu tham dự Tọa đàm rất quan tâm theo dõi và hào hứng đặt nhiều câu hỏi để làm rõ hơn các khía cạnh, quy trình để có thể đảm bảo tổ chức thi hành pháp luật đúng tại Nhật Bản như thẩm quyền và ủy quyền, xem xét bối cảnh lập pháp chính xác, điều tra kỹ lưỡng các văn bản có liên quan, sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, cơ chế tiền kiểm, điều khoản xem xét, thẩm tra vi hiến… Các chuyên gia JICA cũng đã dành nhiều thời gian để giải đáp các câu hỏi của đại biểu tham dự Tọa đàm về hoạt động xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật tại Nhật Bản, chia sẻ thông tin về pháp luật Nhật Bản với Tọa đàm.
Tại Tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học đã có những phân tích, đánh giá về lý luận và thực tiễn tình hình thi hành pháp luật tại Việt Nam trong thời gian vừa qua, kinh nghiệm quốc tế về tổ chức thi hành pháp luật, thi hành pháp luật. PGS.TS Nguyễn Minh Tuấn, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ thực hiện pháp luật ở một quốc gia có hiệu lực và hiệu quả hay không phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thể chế, trong đó bao gồm cả thể chế chính thức và phi chính thức. Cộng hòa liên bang Đức là một nhà nước pháp quyền, dân chủ, cộng hòa, liên bang và xã hội. Việc thực hiện pháp luật ở đây đạt được hiệu lực và hiệu quả tốt do hội tụ được nhiều yếu tố mà những yếu tố này có thể trở thành bài học kinh nghiệm, có giá trị tham khảo tốt cho việc thực thi pháp luật ở nhiều quốc gia. PGS.TS Nguyễn Minh Tuấn đã phân tích những thành tố quan trọng hợp thành thể chế thực hiện pháp luật ở Cộng hòa Liên bang Đức như phân quyền, thượng tôn Hiến pháp và Luật, bảo đảm tính hợp pháp của hành vi công quyền, yêu cầu về bảo đảm các quyền cơ bản về mặt tư pháp và các đảm bảo về mặt thủ tục, yêu cầu về việc đảm bảo sự an toàn pháp lý, yêu cầu về việc bảo vệ niềm tin, nghiêm cấm hồi tố, nghiêm cấm sự thay đổi đột ngột của pháp luật, yêu cầu về việc bảo đảm hiệu lực trực tiếp của các quyền cơ bản và bảo vệ nhân phẩm, yêu cầu về việc nghiêm cấm hành xử tùy tiện, văn hóa tôn trọng, tuân thủ pháp luật và thực tiễn thực hiện. PGS.TS Nguyễn Minh Tuấn cũng đã có những nhận xét và gợi mở đối với hoàn thiện thể chế ở Việt Nam hiện nay.
Từ góc độ địa phương, bà Nguyễn Thị Kim Liên, Trưởng phòng Phòng QLXLVPHC&TDTHPL, Sở Tư pháp TP.HCM và một số đại diện Sở Tư pháp khu vực phía Nam như tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương... đã nêu những khó khăn, vướng mắc về thực trạng thể chế và thực tiễn thực hiện công tác tổ chức thi hành pháp luật, theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn. Trong thời gian chờ Luật về tổ chức thi hành pháp luật được xây dựng, cần đẩy nhanh việc tiếp tục hoàn thiện pháp luật về tổ chức thi hành pháp luật hiện hành, mà cụ thể là hoàn thiện Nghị định số 59/2012/NĐ-CP về theo dõi tình hình thi hành pháp luật, khắc phục những tồn tại, hạn chế hiện nay để phát huy hiệu quả, hiệu lực của công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật.
Tọa đàm cũng đã được nghe ý kiến của TS Chu Thị Hoa, Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp về một số định hướng và giải pháp hoàn thiện pháp luật về tổ chức thi hành pháp luật ở Việt Nam hiện nay. Thông qua phân tích Case study – Nghiên cứu thực tiễn tổ chức thi hành pháp luật qua tình huống tổ chức thi hành Luật An toàn thực phẩm năm 2010 (sửa đổi bổ sung năm 2018). TS. Chu Thị Hoa đã đưa ra một số nhận xét rút từ nghiên cứu tình huống thi hành Luật An toàn thực phẩm và các đề xuất trước mắt cũng như lâu dài để nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật, đổi mới và hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật phù hợp với tinh thần và nguyên tắc của Hiến pháp năm 2013; hoàn thiện pháp luật về trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước và người đứng đầu cơ quan nhà nước gắn với kết quả thực hiện các nhiệm vụ xây dựng và thi hành, tổ chức thi hành pháp luật; Xây dựng, ban hành và áp dụng thống nhất Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả thi hành pháp luật vào hệ thống đánh giá chất lượng hoạt động tổ chức thi hành pháp luật của các cơ quan hành chính nhà nước; Xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, trong công tác tổ chức thi hành pháp luật…
Phát biểu bế mạc Tọa đàm, ông Đặng Thanh Sơn, Cục trưởng Cục QLXLVPHC&TDTHPL, Bộ Tư pháp đánh giá cao các phát biểu tham luận, các bài viết và chia sẻ thông tin của các chuyên gia trong và ngoài nước tại Tọa đàm, hoan nghênh sự tham gia trao đổi, thảo luận tích cực của các đại biểu. Với ý nghĩa là một diễn đàn khoa học, Tọa đàm “Đánh giá thực trạng công tác tổ chức thi hành pháp luật tại Việt Nam và đề xuất, kiến nghị xây dựng, hoàn thiện pháp luật” đã ghi nhận nhiều ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học, các đại biểu một cách khách quan, trên tinh thần xây dựng, góp phần quan trọng, thiết thực trong quá trình nghiên cứu đưa ra những đề xuất chính sách nhằm hoàn thiện thể chế công tác tổ chức thi hành pháp luật và phục vụ cho việc dự kiến xây dựng Luật tổ chức thi hành pháp luật./.
CỤC QLXLVPHC&TDTHPL