Ngày 25/7/2019, Bộ Tư pháp phối hợp với “Dự án Hài hòa hóa pháp luật hiện hành và thống nhất áp dụng pháp luật hướng tới năm 2020” (Dự án JICA) tổ chức thành công Hội thảo về thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả tra cứu, tìm kiếm các quy định của pháp luật trong Bộ Pháp điển Việt Nam. Được sự ủy quyền của Lãnh đạo Bộ, đồng chí Đồng Ngọc Ba, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) đã chủ trì Hội thảo. Hội thảo có sự tham gia của ông Matsuo Nobuhiro - Chuyên gia Dự án JICA cùng đại diện các sở, ban, ngành; Tòa án nhân dân; Viện Kiểm sát nhân dân, Thi hành án dân sự cấp tỉnh, cấp quận, huyện thuộc Thành phố Hồ Chí Minh; sở Tư pháp một số tỉnh khu vực phía Nam; một số luật sư, giảng viên Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh và chuyên gia có kinh nghiệm trong công tác pháp điển.
Tại Hội thảo, các đại biểu và đặc biệt là ông Matsuo Nobuhiro đã trao đổi, thảo luận, đánh giá rất cao về Bộ pháp điển và công tác xây dựng Bộ pháp điển của Việt Nam. Về Bộ pháp điển, các đại biểu đánh giá cao trong việc giúp người dân, doanh nghiệp thuận tiện trong tra cứu, tìm kiếm các quy định của pháp luật cũng như bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật, tạo sự tin tưởng của người dân vào hệ thống pháp luật. Qua đó góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng như góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống một cách hiệu quả hơn.
Bước đầu Bộ pháp điển đã được xã hội đón nhận tích cực, khai thác và sử dụng. Đặc biệt, một số luật sư, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước đã thường xuyên khai thác, sử dụng và coi Bộ pháp điển là một trong những công cụ hữu hiệu hỗ trợ giải quyết công việc. Về công tác xây dựng Bộ pháp điển, các đại biểu ghi nhận và đánh giá cao Bộ Tư pháp trong việc tổ chức triển khai, sự quyết tâm cũng như tâm huyết, trách nhiệm để sớm hoàn thành Bộ pháp điển. Cho đến nay, Bộ pháp điển đã xây dựng được gần một nửa (120/271 đề mục) vượt tiến độ đề ra…
Bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế của Bộ pháp điển và công tác xây dựng Bộ pháp điển như: Cấu trúc của Bộ pháp điển chưa bảo đảm sự cân bằng tương đối giữa các chủ đề, có chủ đề được pháp điển bởi khối lượng văn bản rất lớn như chủ đề An ninh quốc gia (có thể lên tói gần một nghìn văn bản) có chủ đề thì chỉ được pháp điển bởi vài văn bản như chủ đề Tôn giáo, tín ngưỡng (06 văn bản); việc pháp điển theo Điều dẫn đến việc sắp lộn xộn, thiếu khoa học gây khó khăn cho việc tìm kiếm các quy định. Các đại biểu cũng kiến nghị thêm để Bộ Tư pháp nghiên cứu báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để sửa Pháp lệnh pháp điển nhằm xây dựng Bộ pháp điển có giá trị pháp lý như văn bản gốc; thực hiện pháp điển các văn bản QPPL của địa phương.
Về việc làm sao để sớm đưa Bộ pháp điển vào cuộc sống, các đại biểu đưa ra nhiều giải pháp như: Bộ Tư pháp và các bộ, ngành cần tích cực, chủ động trong việc đa dạng hóa hình thức và mở rộng đối tượng tuyên truyền, phố biến như tuyên truyền trên truyền hình, báo trí…; hỗ trợ, phối hợp với đội ngũ luật sư, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước đã thường xuyên khai thác, sử dụng và coi Bộ pháp điển là một trong những công cụ hữu hiệu hỗ trợ giải quyết công việc để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp tháo gỡ; tạo điều kiện để các doanh nghiệp in Bộ pháp điển để bán ra ngoài xã hội, dịch Bộ pháp điển sang Tiếng Anh…
Kết thúc Hội thảo, đồng chí Cục trưởng Đồng Ngọc Ba đánh giá cao sự tham gia, đóng góp ý kiến rất khoa học, trách nhiệm của các đại biểu tham dự và sẽ chỉ đạo tổng hợp đầy đủ để tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện để bảo đảm hiệu quả, chất lượng của Bộ pháp điển cũng như đưa Bộ pháp điển vào cuộc sống đáp ứng nhu cầu tra cứu, sử dụng của người dân, doanh nghiệp.