Tiếp tục thực hiện Kế hoạch ban hành kèm theo Quyết định số 04/QĐ-QLXLVPHC&TDTHPL ngày 19/02/2019, Đoàn Khảo sát của Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật do đồng chí Lê Thanh Bình – Phó Cục trưởng Cục QLXLVPHC&TDTHPL làm Trưởng đoàn cùng các thành viên là các công chức thuộc Cục QLXLVPHC&TDTHPL và Vụ Pháp luật hình sự-hành chính, Bộ Tư pháp đã tiến hành các hoạt động khảo sát, tọa đàm về “thực tiễn triển khai thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính (Luật XLVPHC) về các quy định pháp luật liên quan đến người chưa thành niên” tại tỉnh Nghệ An.
Đoàn khảo sát đã thực hiện các hoạt động Tọa đàm, thu thập số liệu, phỏng vấn trực tiếp và khảo sát qua phiếu hỏi đối với một số người chưa thành niên đã bị xử lý vi phạm hành chính; người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính, công chức Tư pháp - Hộ tịch, cán bộ Công an và một số cán bộ, công chức, viên chức làm công tác quản lý, giám sát, giáo dục người chưa thành niên vi phạm pháp luật tại xã Hưng Thắng và Hưng Trung (huyện Hưng Nguyên) trong ngày 19/3/2019.
Trong buổi sáng ngày 20/3/2019, Đoàn Khảo sát cũng đã phối hợp với Sở Tư pháp tỉnh Nghệ An tổ chức 01 buổi Tọa đàm với sự tham gia của đại diện các ngành Công an, Tư pháp, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tòa án nhân dân cấp huyện, đại diện một số Ủy ban nhân dân (UBND) cấp huyện và UBND xã, phường trên địa bàn tỉnh. Tại buổi Tọa đàm bên cạnh những kết quả đạt được trong thời gian 05 năm triển khai thi hành Luật XLVPHC và các quy định pháp luật liên quan đến người chưa thành niên của tỉnh Nghệ An rất đáng ghi nhận và biểu dương, cũng đã có nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận đề cập một cách rất cụ thể về những khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các quy định của Luật XLVPHC liên quan đến quá trình xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên như: các điều kiện bảo đảm cho việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn cũng còn bất cập, nhất là vấn đề kinh phí; công tác báo cáo, thống kê về xử lý vi phạm hành chính ở một số đơn vị cơ sở còn chưa chính xác và chậm so với quy định; việc áp dụng các biện pháp thay thế xử lý người chưa thành niên vi phạm hành chính (nhắc nhở, quản lý tại gia đình) gặp nhiều khó khăn trong thực tế triển khai; quy định về kinh phí dành cho quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính còn thiếu cụ thể, không rõ nguồn chi, cũng như nội dung chi và mức chi; một số vướng mắc bất cập trong việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng đô thị;....
Kết thúc buổi Tọa đàm, thay mặt Đoàn khảo sát, đồng chí Lê Thanh Bình phát biểu ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của địa phương về những vấn đề khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ, khắc phục để tổng hợp, nghiên cứu và báo cáo một cách đầy đủ, trung thực với Lãnh đạo Bộ Tư pháp về thực tiễn thi hành Luật XLVPHC trong thời gian qua nói chung và về các quy định liên quan đến người chưa thành niên nói riêng, để làm cơ sở cho việc đề xuất những giải pháp, biện pháp thực thi nhằm góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả của các quy định pháp luật liên quan đến xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên, đồng thời, góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính nói chung, trực tiếp là phục vụ cho việc xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC trong thời gian sắp tới./.
Phòng Quản lý xử lý vi phạm hành chính, Cục QLXLVPHC&TDTHPL.