Nghiệm thu đề tài khoa học cấp Bộ “Hoàn thiện cơ chế tổ chức theo dõi THPL ở Việt Nam hiện nay”

05/01/2019
Nghiệm thu đề tài khoa học cấp Bộ “Hoàn thiện cơ chế tổ chức theo dõi THPL ở Việt Nam hiện nay”
Sáng ngày 04/01/2019, Viện Khoa học pháp lý đã tổ chức nghiệm thu chính thức Đề tài khoa học cấp bộ “Hoàn thiện cơ chế tổ chức theo dõi thi hành pháp luật ở Việt Nam hiện nay”. TS. Dương Thanh Mai - Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý làm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu.
Đề tài được thực hiện nhằm làm rõ những vấn đề lý luận về cơ chế tổ chức theo dõi thi hành pháp luật ở nước ta hiện nay, đánh giá chính xác, khách quan thực trạng cơ chế tổ chức theo dõi thi hành pháp luật để từ đó đề xuất, kiến nghị các giải pháp hoàn thiện cơ chế theo dõi thi hành pháp luật ở Việt Nam. Theo đó, Đề tài đã tập trung làm rõ về lý luận đối với việc hoàn thiện cơ chế tổ chức theo dõi thi hành pháp luật như: (i) Nhận thức về thi hành pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật và tổ chức theo dõi thi hành pháp luật; (ii) Khái niệm, đặc điểm, vai trò của cơ chế tổ chức theo dõi thi hành pháp luật; (iii) Các yếu tố cấu thành cơ chế tổ chức theo dõi thi hành pháp luật; (iv) Tiêu chí hoàn thiện cơ chế tổ chức theo dõi thi hành pháp luật; (iv) Phân tích, làm rõ cơ chế tổ chức theo dõi thi hành pháp luật ở một số nước trên thế giới (Liên bang Nga, Đan Mạch, Trung Quốc và một số nước ASEAN...) và rút ra những giá trị tham khảo cho Việt Nam.
Về thực trạng cơ chế tổ chức theo dõi thi hành pháp luật ở Việt Nam hiện nay, Đề tài tập trung đánh giá về (i) thực trạng thể chế theo dõi thi hành pháp luật ở Việt Nam hiện nay (ii) thực trạng thiết chế theo dõi thi hành pháp luật; (iii) các yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến việc thực hiện cơ chế tổ chức theo dõi thi hành pháp luật. Trên cơ sở đó, Đề tài đã phân tích quan điểm hoàn thiện cơ chế tổ chức theo dõi thi hành pháp luật ở Việt Nam và đề xuất, kiến nghị những giải pháp hoàn thiện cơ chế tổ chức thi theo dõi thi hành pháp luật trong thời gian tới.
Sau khi nghe Chủ nhiệm Đề tài thay mặt Ban Chủ nhiệm báo cáo, Hội đồng đã nhận xét về ưu điểm, tồn tại của Đề tài và những vấn đề cần tiếp thu, hoàn thiện. Hội đồng nhận định vấn đề nghiên cứu của Đề tài là nhiệm vụ quan trọng, có tính cấp thiết và phức tạp trong giai đoạn hiện nay. Ban Chủ nhiệm và các Thành viên nghiên cứu đã nỗ lực đưa ra được những kết quả nghiên cứu có giá trị, đây là bước đầu cho những nghiên cứu chuyên sâu sau này. Hội đồng nhất trí nghiệm thu Đề tài ở mức Đạt và đề nghị Ban Chủ nhiệm tổng hợp, hoàn thiện Đề tài trên cơ sở ý kiến phát biểu, nhận xét của các thành viên Hội đồng./.
                               Cục Quản lý XLVPHC và Theo dõi THPL