Cần xây dựng công cụ mang tính khả thi, toàn diện để đánh giá, theo dõi thi hành pháp luật

27/12/2018
Cần xây dựng công cụ mang tính khả thi, toàn diện để đánh giá, theo dõi thi hành pháp luật
Ngày 27/12/2018, Bộ Tư pháp đã tổ chức Tọa đàm Góp ý dự thảo khung theo dõi thi hành pháp luật và hệ thống thu thập dữ liệu. Lãnh đạo Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp (Cục QLXLVPHC&TDTHPL) chủ trì Tọa đàm, với sự tham dự của các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ pháp chế của Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành ở Trung ương và TP. Hà Nội.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Đặng Thanh Sơn nhận định, tổ chức thi hành pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật (THPL) là nhiệm vụ mang tính Hiến định, với tính chất phức tạp, phạm vi rộng lớn. Đây không chỉ là nhiệm vụ của riêng Bộ Tư pháp, mà là nhiệm vụ chung của tất cả các Bộ, ngành, chính quyền địa phương.Tại thời điểm hiện nay, Nghị định số 59/2012/NĐ-CP của Chính phủ về theo dõi tình hình THPL là cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai thực hiện nhiệm vụ theo dõi THPL, trong đó quy định cụ thể trách nhiệm, phạm vi, nội dung theo dõi THPL. Ông Sơn bày tỏ mong muốn Tọa đàm sẽ là diễn đàn để các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện pháp chế các Bộ, ngành góp ý để Bộ Tư pháp tiếp tục hoàn thiện, chỉnh lý những nội dung cụ thể của Dự thảo Khung theo dõi THPL và Hệ thống thu thập dữ liệu, tạo điều kiện thuận lợi cho các Bộ, ngành và địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ được giao trong lĩnh vực công tác này.
Phát biểu ý kiến tại Tọa đàm, TS. Hồ Quang Huy - Phó Cục trưởng Cục QLXLVPHC&TDTHPL cho rằng, trong điều kiện Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế về nguồn nhân lực phục vụ công tác theo dõi THPL thì việc ban hành Khung theo dõi thi hành pháp luật và Hệ thống thu thập dữ liệu là vô cùng cần thiết. Việc thiết kế, xây dựng Khung theo dõi THPL và Hệ thống thu thập dữ liệu cần gắn với xu hướng đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác theo dõi tình hình THPL, gắn với việc đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động theo dõi tình hình THPL, với nội dung kiểm tra, điều tra, khảo sát, thu thập và xử lý thông tin, cũng như đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thu thập, phân tích kết quả theo dõi THPL. Trên cơ sở đó, ông Huy đã phân tích một số nguyên tắc, yêu cầu đối với với nội dung của Khung theo dõi thi hành pháp luật và Hệ thống thu thập dữ liệu, cụ thể như: Bám sát nguyên lý “đánh giá dựa trên kết quả” (Đầu vào/Đầu ra/Kết quả và Tác động); Bảo đảm tính liên thông với các nguồn thông tin khác, tính toàn diện về cấp độ theo dõi, đánh giá; Khả năng kết nối, mang tính mở; Phản ánh đầy đủ, khách quan, chính xác tình hình thi hành pháp luật; Tính khả thi, dễ áp dụng… Do vậy, các tiêu chí, chỉ số định lượng sẽ giúp phản ánh, đánh giá xác thực tình hình thi hành pháp luật trên thực tế, đồng thời Khung theo dõi THPL và Hệ thống thu thập dữ liệu là công cụ để phát huy quyền giám sát, phản biện, đánh giá của các tổ chức, cá nhân trong xã hội đối với quá trình thực thi pháp luật.
Thay mặt tổ chuyên gia, bà Phạm Thị Thùy Chi đã đưa ra một số định hướng trong việc xác định các tiêu chí phục vụ theo dõi, đánh giá tình hình THPL. Bà Chi cho rằng công tác theo dõi THPL phải là nhiệm vụ chính gắn với những cơ quan chịu trách nhiệm trong việc theo dõi THPL. Qua đó, cần phải xây dựng được một công cụ mang tính khả thi, mang tính toàn diện và đóng góp một cách hiệu quả vào hệ thống THPL. Bà Chi cũng đưa ra các tiêu chí để đánh giá, theo dõi THPL qua bộ Khung theo dõi tình hình thi hành một Luật, với mục đích đánh giá, đo lường về mức độ THPL và tác động tích cực/tiêu cực đối với các cá nhân, tổ chức. Cho rằng đây là một nội dung khó trong việc thực thi pháp luật, ông Trần Minh Trọng (Cục Bồi thường Nhà nước, Bộ Tư pháp) đã nêu lên nhận định về việc cần thiết trong việc xây dựng bộ Khung theo dõi thi hành pháp luật hay không. Ngoài ra, việc ghi chép hàng ngày cũng là một trong những vấn đề cần được quan tâm, xem xét khi nguồn nhân lực thực hiện còn hạn chế mà khối lượng công việc phải xử lý là rất lớn. Đại diện Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật và Cục Kế hoạch - Tài chính, Bộ Tư pháp cũng đã phân tích những nội dung chưa hợp lý, chưa khả thi của dự thảo Khung.  
Đồng tình với ý kiến góp ý của ông Trọng, đại diện Cục Pháp chế của Bộ Công an cũng cho rằng nên xem xét lại cách thức tiếp cận của bộ Khung để có thể theo dõi, đánh giá tình hình THPL một cách khách quan, chính xác nhất. Nhất là khi Khung theo dõi THPL vẫn còn chung chung mang tính định tính, cần đi sâu vào cụ thể hơn nữa.  Ngoài ra, buổi Tọa đàm cũng nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu, chuyên gia đến từ Đài Truyền hình Việt Nam, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Vụ Pháp chế Ủy ban Dân tộc, UNDP cũng cho rằng khi xây dựng khung lý thuyết, phải làm rõ về mặt thuật ngữ, mục tiêu của việc theo dõi THPL; làm rõ hơn nữa tính khả thi của bộ công cụ này, nhất là trong việc triển khai và tác động; Khung theo dõi THPL nên đi vào chi tiết hơn nữa. Dự thảo Khung cũng nên đơn giản hóa và thu gọn chỉ tiêu; đồng thời Dự thảo cũng nên bổ sung cách thức giúp người dân tiếp cận thông tin qua các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter…
Phương Mai