Sáng 11/12, Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015-2020 (Chương trình 585) đã tổ chức Hội nghị đối thoại về các vướng mắc Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư nhằm trao đổi, tổng hợp các ý kiến, đề xuất, kiến nghị về các vướng mắc, bất cập của Luật doanh nghiệp năm 2014 và Luật đầu tư năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2016), góp phần hoàn thiện pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp và quy định pháp luật có liên quan trong thời gian tới.
Tham dự Hội nghị có đại diện của Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý Chương trình 585; cán bộ pháp chế, các Sở, ban, ngành có liên quan trên địa bàn Hà Nội và một số địa phương lân cận; Đoàn Luật sư, Hội luật gia và đại diện một số doanh nghiệp.
Về sự cần thiết phải sửa đổi Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư, ông Quách Ngọc Tuấn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện là nhiệm vụ thường xuyên được quy định tại Điều 8 Luật đầu tư. Bên cạnh đó, Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư đã cải cách quản lý nhà nước về đầu tư, kinh doanh, từ chỗ doanh nghiệp kinh doanh trong phạm vi cho phép của nhà nước sang doanh nghiệp được tự do kinh doanh trong những ngành, nghề Luật không cấm; tuy nhiên nhiều luật chưa sửa đổi để đồng bộ với nguyên tắc nêu trên. Đặc biệt, các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh đã có nhiều cải tiến nhưng còn nhiều thủ tục chưa hợp lý, chưa cụ thể; do đó cần phải sửa đổi để cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ các “nút thắt”.
|
|
Ông Tuấn cũng chia sẻ, các ý kiến, kiến nghị của các Bộ, ngành, địa phương, một số hiệp hội, doanh nghiệp về việc sửa đổi Luật đầu tư tập trung vào các nội dung như: quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh; quy định về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư và bảo đảm đầu tư; quy định về thủ tục đầu tư và quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam; các quy định về hình thức, thủ tục đầu tư và quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Đối với việc sửa đổi Luật doanh nghiệp, nhiều ý kiến quan tâm tới khái niệm doanh nghiệp nhà nước, các quy định về thủ tục đăng ký doanh nghiệp và quản trị doanh nghiệp.
|
|
Chia sẻ các mục tiêu và nguyên tắc sửa đổi Luật doanh nghiệp. ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh cần đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí gia nhập thị trường; nâng cao và thúc đẩy quản trị doanh nghiệp tốt; tập trung vào nội dung cơ bản, sửa đổi tối thiểu. Trong đó, ông Hiếu nhấn mạnh tới việc sửa đổi Luật theo hướng bãi bỏ hoàn toàn các quy định về con dấu của doanh nghiệp để giảm bớt các thủ tục hành chính phiền hà. Tuy nhiên, nhiều đại biểu tham dự Hội nghị lại cho rằng trong hoàn cảnh thực tế của Việt Nam hiện nay, việc bãi bỏ hoàn toàn con dấu là chưa phù hợp và khó khả thi.