Tọa đàm tình hình thực hiện Nghị quyết số 107/2015/QH13 về Thừa phát lại

06/12/2018
Tọa đàm tình hình thực hiện Nghị quyết số 107/2015/QH13 về Thừa phát lại
Sáng 06/12, Bộ Tư pháp đã tổ chức Tọa đàm tình hình thực hiện Nghị quyết số 107/2015/QH13 về Thừa phát lại – kết quả đạt được và khó khăn, vướng mắc. Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Đỗ Hoàng Yến và Phó Chánh Thanh tra Bộ Tạ Thị Tài đồng chủ trì Tọa đàm.
Phát biểu tại Tọa đàm, Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Đỗ Hoàng Yến cho biết: sau một thời gian nỗ lực của các cơ quan từ Trung ương đến địa phương về việc triển khai Nghị quyết số 107/2015/QH13, công tác thừa phát lại đã đạt được kết quả nhất định: nhiều Văn phòng Thừa phát lại được thành lập; có thêm nhiều địa phương triển khai thực hiện chế định thừa phát lại; nhận thức của các cấp, các ngành, người dân, doanh nghiệp về nghề thừa phát lại được nâng lên…

Cụ thể: đến này có 06 địa phương đã thực hiện chế định này trong thời ký thí điểm được Bộ Tư pháp phê duyệt Đề án cho phép thành lập thêm các Văn phòng Thừa phát lại ở địa bàn cấp huyện nơi chưa có Văn phòng Thừa phát lại, 18 địa phương khác cũng đã được Bộ Tư pháp phê duyệt Đề án thực hiện chế định này. Như vậy, tổng số hiện nay Bộ Tư pháp đã phê duyệt 31 Đề án/63 địa phương. Hiện đã có 75 Văn phòng Thừa phát lại được thành lập và hoạt động tại 27 địa phương, tăng 22 Văn phòng so với thời thực hiện thí điểm.
Về đội ngũ thừa phát lại, tính đến nay, Bộ Tư pháp đã bổ nhiệm 531 Thừa phát lại, với số lượng hành nghề khoảng 300 người. Hàng năm, Bộ đều tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng hành nghề thừa phát lại thông qua các buổi tập huấn, tọa đàm.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả, thành công bước đầu, thực tiễn triển khai thực hiện Nghị quyết số 107/2015/QH13 tại các địa phương trong gần 03 năm qua cho thấy còn nhiều hạn chế, khó khăn, vướng mắc như: quan điểm, định hướng về nghề thừa phát lại còn có ý kiến khác nhau trong các cấp lãnh đạo; công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về thừa phát lại còn chậm, khó khăn; tình hình triển khai Đề án thành lập Văn phòng Thừa phát lại ở nhiều địa phương chậm so với kế hoạch; tình trạng vi phạm pháp luật, xem nhẹ đạo đức nghề nghiệp của thừa phát lại, Văn phòng Thừa phát lại ngày một tăng trong khi thiếu chế tài xử lý; sự ủng hộ, hỗ trợ của các cơ quan, ban, ngành, người dân, doanh nghiệp đối với nghề thừa phát lại đã được nâng lên nhưng vẫn còn hạn chế…

Tại Tọa đàm, các đại biểu đã trao đổi thảo luận thẳng thắn để nhận diền các tồn tại, hạn chế, xã định rõ nguyên nhân, từ đó đưa ra các giải pháp, kiến nghị, đề nghị, đề xuất cụ thể, phù hợp để nghề thừa phát lại ở nước ta phát triển đúng mục tiêu, định hướng đề ra.